09:01, 29/01/2020

Đẩy mạnh xây dựng nghề cá Khánh Hòa

Ngày 29-1, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề phát triển nghề cá Khánh Hòa. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn. 
 

Ngày 29-1, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề phát triển nghề cá Khánh Hòa. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn. 
 
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
 
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 9.791 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 814 tàu. Sản lượng thủy sản khai thác bình quân hàng năm đạt 97.000 tấn. Lao động thủy sản toàn tỉnh khoảng 83.000 người. Trong đó, lao động trực tiếp trong ngành khai thác thủy sản khoảng 33.000 người, nuôi trồng thủy sản 28.300 người và dịch vụ, chế biến thủy sản  21.600 người.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cảng cá gồm: Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Đá Bạc, Đại Lãnh, Ninh Vân, Bình Ba, Vũng Ngán và 1 khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khánh Hòa được xác định là 1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Trong đó, cảng cá Đá Bạc - Cam Ranh được đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Trường Sa, tạo sự đột phát trong chiến lược phát triển thủy sản, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển vùng Nam Trung bộ, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo.
 
Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty Chế biến xuất khẩu F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh… Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt tại 64 thị trường trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng đều trong nhiều năm liền, đóng góp hơn 60% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp.
 
Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, nghề cá ở Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển, đặc biệt việc gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Do đó, sở mong muốn bộ chủ quản và UBND tỉnh hỗ trợ cho ngư dân phí giám sát hành trình và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu. “Ngoài ra, Dự án Trung tâm nghề cá hiện nay đã giải phóng xong mặt bằng, chỉ đợi vốn nữa là tiến hành xây dựng. Đề nghị Tổng cục Thủy sản hỗ trợ để xây dựng trung tâm nghề cá kiểu mẫu của khu vực”, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT đề xuất.
 

 

Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại Cảng cá Hòn Rớ.
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại Cảng cá Hòn Rớ.
 
Đại diện Tổng cục Thủy sản đánh giá, Khánh Hòa là tỉnh thực hiện khá tốt vấn đề chống đánh cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm hơn đến tính chính xác của hồ sơ đánh bắt, nhật ký hành trình; nâng cao ý thức của ngư dân trong bảo quản thủy sản; tuyên truyền cho ngư dân thực hiện đánh bắt đúng tọa độ quy định. Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, nếu năm 2018, Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh có tàu cá vi phạm nhiều nhất thì thời gian gần đây, tình trạng này đã giảm hẳn. Tuy nhiên, đoàn công tác lưu ý UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc lắp thiết bị hành trình cho tất cả các tàu cá có chiều dài trên 15m để giám sát tốt hơn vấn đề đánh bắt bất hợp pháp.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Trong 5 năm tới, Khánh Hòa phải có hệ thống hạ tầng thủy sản hiện đại, giảm tàu công suất nhỏ, tăng tàu công suất lớn. Tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nghề cá, chuyển từ xây dựng nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, khai thác có ý thức đi đôi với bảo tồn.
 
Nói về mục tiêu xây dựng nghề cá trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, xu hướng chung sẽ giảm dần khai thác ven bờ, vì vậy cần quản lý đội tàu một cách chặt chẽ hơn. Đối với những tàu nhỏ, tỉnh cần tính đến phương án chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ du lịch. Thứ trưởng mong muốn tỉnh sớm xây dựng ngành Thủy sản phát triển hơn nữa để xứng đáng là trung tâm nghề cá lớn của khu vực. Trong đó, cần có đội ngũ khoa học đủ mạnh trong lĩnh vực này và vấn đề thực thi pháp luật trong khai thác phải được thực hiện hàng ngày. 
 
Ông Lê Hữu Hoàng tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác. Đồng thời cho biết, sau buổi làm việc, tỉnh sẽ giao bộ phận tham mưu xây dựng phương án ngăn chặn hiệu quả về đánh bắt bất hợp pháp; tăng cường tuần tra kiểm soát và nghiên cứu hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá. Tỉnh sẽ cố gắng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản đánh bắt, quản lý chặt chẽ các hồ sơ truy xuất nguồn gốc để góp phần tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
 
Đình Lâm