10:05, 23/05/2019

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo

Giữa lúc toàn tỉnh đang tập trung khống chế dịch tả heo châu Phi (ASF), việc xuất hiện bệnh heo tai xanh ở Cam Lâm khiến người chăn nuôi thêm điêu đứng. Thời điểm này, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

Giữa lúc toàn tỉnh đang tập trung khống chế dịch tả heo châu Phi (ASF), việc xuất hiện bệnh heo tai xanh ở Cam Lâm khiến người chăn nuôi thêm điêu đứng. Thời điểm này, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch.


Nhiều hộ giảm đàn, treo chuồng


2 tháng trước, khi chúng tôi đến tìm hiểu hoạt động chăn nuôi heo tại một hộ chăn nuôi ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm (yêu cầu không nêu tên), đàn heo của hộ này vẫn còn 16 con heo thịt, 3 con heo nái và khoảng 30 con heo cai sữa. Tuy nhiên, sáng 23-5, khi trở lại hộ chăn nuôi này, chúng tôi chỉ thấy các ô chuồng trống vắng. Đàn heo trên, theo chủ hộ, một số vừa đủ trọng lượng xuất bán, số khác tuy chưa đạt trọng lượng nhưng cũng bán vì thời gian gần đây dịch tả heo châu Phi, dịch heo tai xanh đã xuất hiện; hiện chỉ còn heo nái và 5 con heo sữa nuôi cầm chừng.

 

Người chăn nuôi heo lo dịch bệnh bùng phát.

Người chăn nuôi heo lo dịch bệnh bùng phát.


Cam Lâm là thủ phủ chăn nuôi heo của tỉnh. Nơi đây đã hình thành được hệ thống chăn nuôi ngày càng hiện đại, quy mô lớn, quy trình chuyên nghiệp. Dẫu vậy, trước những thông tin dịch bệnh liên tiếp, không ít hộ chăn nuôi đã chọn giải pháp giảm đàn, thậm chí treo chuồng để tránh nguy cơ dịch bệnh trên đàn heo. Theo Trạm Thú y huyện Cam Lâm, tổng đàn heo giảm dần từ tháng 3 đến nay, đặc biệt giảm mạnh trong khoảng 20 ngày gần đây. Cụ thể, cuối tháng 4, tổng đàn heo ở Cam Lâm là 119.000 con; 70% trong số đó là các trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty, còn lại là chăn nuôi đơn lẻ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, đàn heo chăn nuôi gia công đã giảm khoảng 10%, trong khi nuôi nhỏ lẻ giảm 40%, chủ yếu là ở các hộ nuôi quy mô nhỏ, dưới 50 con. Trong tình hình hiện nay, các trang trại chăn nuôi gia công không tổ chức phát triển đàn heo; nhiều hộ chăn nuôi nhỏ đang chọn giải pháp giảm thiểu đàn heo, nhiều hộ treo chuồng.


Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp quyết liệt để khống chế dịch ASF xuất hiện ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Ngoài 44 con heo tổng trọng lượng gần 4 tấn của 8 hộ chăn nuôi ở 3 thôn thuộc xã Diên Điền dương tính với bệnh ASF, đến ngày 20-5 trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thêm trường hợp nào.


Ngày 14-5, trong quá trình giám sát, chính quyền và lực lượng thú y đã kiểm tra 1 hộ chăn nuôi ở xã Cam Tân, huyện Cam Lâm. Hộ nuôi này có trên 200 con heo, trong đó có 15 con heo nái, còn lại là heo con, heo cai sữa, heo thịt nhiều giai đoạn. Thời điểm giám sát, có 9 con heo thịt chết, 12 con heo khác có biểu hiện sốt cao 40 - 410C, bỏ ăn, ủ rũ, sùi bọt mép… Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn heo của hộ chăn nuôi này âm tính với ASF, nhưng 4/5 mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh tai xanh và dịch tả heo thông thường. “Đây cũng là 2 bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở heo. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 65 con heo bệnh, tổng trọng lượng gần 3,4 tấn. Đồng thời, tiến hành theo dõi chặt chẽ đàn heo của hộ này và tổ chức các biện pháp chống dịch theo quy định”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.


Triển khai đồng bộ các biện pháp


Ngày 20-5, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế ASF. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội coi việc phòng, chống, khống chế bệnh ASF là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này. Đồng thời thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống ASF; quyết tâm khống chế ASF trong thời gian nhanh nhất. Hoạt động thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, vừa bảo vệ sản xuất, vừa tránh gây hoang mang. Các hoạt động khôi phục chăn nuôi, bảo đảm kinh phí phòng, chống, khống chế bệnh dịch cũng được chú trọng.


Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện trở lại ở vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ trên đàn heo chưa được tiêm phòng. Trong nước, dịch ASF đang diễn biến phức tạp, trên diện rộng, chưa được kiểm soát. Tỉnh Khánh Hòa có 150km Quốc lộ 1, số lượng xe vận chuyển heo đi qua đang gia tăng, nhiều xe vận chuyển từ địa phương đang có dịch vào tỉnh. Mặt khác, mầm bệnh đã xuất hiện trong đàn heo và môi trường chăn nuôi trong tỉnh, do đó, nguy cơ bệnh tiếp tục lây lan và bùng phát là rất cao.


Ngành Thú y kêu gọi các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài lực lượng chức năng, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân giám sát, phát hiện sớm những trường hợp heo có dấu hiệu bệnh để có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý.


Được biết, tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt 1/2019 sắp sửa hoàn tất. Hầu hết các hộ chăn nuôi, nhất là những trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đã và đang áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, việc phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, kiểm soát ra vào trại… là những việc làm được chú trọng nhất hiện nay.


Hồng Đăng