09:12, 17/12/2018

Tăng cường xử lý vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng

Thời gian qua, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh liên tục phản ánh về tình trạng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. 

Thời gian qua, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa liên tục phản ánh về tình trạng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Xử phạt nhiều trường hợp


Ông Nguyễn Văn Hay - nông dân xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) kể: “Gia đình tôi có 6,5ha lúa. Vụ lúa mới đây, tôi mua gần 1 tấn phân để bón thúc cho cây lúa, nhưng khi bón hết 500kg, sau 10 ngày phân vẫn không hề tan. Tôi đoán mình đã mua phải phân bón giả hoặc loại hết hạn sử dụng, họ đóng lại hạn mới… 10 bao còn lại chưa kịp bón (trọng lượng 500kg) tôi chở đi trả lại cho đại lý. Tính ra, 1 bao phân hiện có giá 750.000 đồng, tôi mất hết 7,5 triệu đồng tiền phân bón mà không có hiệu quả. Ngoài phân bón, nông dân còn hay gặp phải tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, sử dụng không hiệu quả”.

 

Chăm sóc lúa mới gieo sạ tại xã Suối Tiên.

Chăm sóc lúa mới gieo sạ tại xã Suối Tiên.


Liên tục những năm gần đây, người trồng xoài ở Cam Lâm, người trồng tỏi ở Vạn Ninh, trồng cây ăn quả ở Khánh Vĩnh… cũng liên tục phản ánh về tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên thị trường. “Phân bón, vật tư nông nghiệp có tác động rất lớn đến năng suất, hiệu quả, chất lượng cây trồng. Do đó, nông dân chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng để nông dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Thế Hải - nông dân trồng xoài ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) kiến nghị.


Theo báo cáo của UBND tỉnh, để xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 9 đoàn, tiến hành kiểm tra 192 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về nhãn sản phẩm, nội dung trên nhãn không đúng với Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, nội dung nhãn sản phẩm ghi không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa; 18 cơ sở kinh doanh phân bón không đạt chất lượng so với công bố hoặc có nhãn sai quy định và 4 cơ sở kinh doanh giống cây trồng vi phạm về nhãn sản phẩm... đã bị xử phạt. Tổng số tiền xử phạt 62 cơ sở vi phạm gần 430 triệu đồng. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra 53 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này, phát hiện và xử phạt gần 180 triệu đồng đối với 21 trường hợp vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố…


Tăng cường thanh tra đột xuất


Để xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 41 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền các tổ chức, cá nhân không tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, hàng kém chất lượng; phổ biến cho nông dân cách nhận biết, hướng xử lý khi gặp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; khuyến cáo nông dân nên sử dụng sản phẩm của các đơn vị có uy tín, có thương hiệu. Đặc biệt, các lực lượng chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thanh tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm.


Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán 2019. Trong quá trình thực hiện, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các cơ sở tái phạm.


BÍCH LA