07:03, 15/03/2018

Khánh Sơn: Hồ tiêu thoái trào

Phong trào trồng hồ tiêu ở Khánh Sơn đang thoái trào do giá bán thấp, bệnh chết nhanh, chết chậm không xử lý được.

Phong trào trồng hồ tiêu ở Khánh Sơn đang thoái trào do giá bán thấp, bệnh chết nhanh, chết chậm không xử lý được.


Ông Lê Anh Quang - cán bộ theo dõi nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết, trước đây, khi giá hạt tiêu thấp, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã rất ít, chủ yếu được trồng xen trong các vườn sầu riêng, cà phê. Giai đoạn 2013 - 2016, giá hồ tiêu tăng liên tục, đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg nên người dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, diện tích vì thế cũng tăng nhanh từ 6ha năm 2013 lên hơn 25ha năm 2016. Tuy chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cáo nhưng người dân vẫn phát triển tự phát cây hồ tiêu. Sau một thời gian, do hiệu quả giảm sút nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn cũng thu hẹp lại, hiện nay chỉ còn hơn 15ha.

 

ông dân Khánh Sơn không còn mặn mà với cây hồ tiêu.

Nông dân Khánh Sơn không còn mặn mà với cây hồ tiêu.


Bỏ qua cảnh báo của chính quyền địa phương về loại cây khó trồng, dễ bị bệnh, người dân xã Sơn Trung vẫn phát triển mạnh cây hồ tiêu trong giai đoạn 2013 - 2016. Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, cao điểm vào năm 2016, địa phương có đến 25ha hồ tiêu. Tuy nhiên, từ sau mùa mưa lũ 2016, bệnh chết nhanh, chết chậm đã khiến nhiều trụ tiêu của nông dân bị chết dần; tỷ lệ chết lên đến 50%. Cùng với bệnh trên cây hồ tiêu không xử lý được, hồ tiêu còn rớt giá thê thảm, trong khi các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao nên người dân đang trồng xen cây ăn quả vào các vườn hồ tiêu, khi cây ăn quả phát triển sẽ phá bỏ hồ tiêu. Thời điểm này, diện tích hồ tiêu của Sơn Trung chỉ còn một nửa so với năm 2016.


Theo những nhà vườn trồng hồ tiêu tại Khánh Sơn, để trồng 1ha hồ tiêu, nông dân phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng (gồm: chi phí xây trụ, giống, phân bón...), thời gian chăm sóc hơn 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu các hộ gom hết vốn liếng, phá bỏ những cây trồng khác để trồng hồ tiêu, khi cây bị bệnh, không kịp xử lý hoặc giá bán biến động thì sẽ thiệt hại nặng nề. “Hơn 200 trụ tiêu của gia đình tôi đã bị dịch bệnh chết, hiện nay chỉ còn chưa đến 100 gốc, đã vậy tiêu còn rớt giá mạnh nên vụ này chẳng thu được mấy đồng. Đầu năm 2017, giá hồ tiêu đã bắt đầu giảm, chỉ được 130.000 đồng/kg (giảm hơn 50.000 đồng/kg so với năm 2016). Năm nay, giá tiêu còn rớt thê thảm, chỉ hơn 60.000 đồng/kg. Giá bán tiêu không đủ trả công thu hoạch nên người nhà tự hái, được chừng nào hay chừng ấy. Tôi đang trồng sầu riêng xen vào giữa vườn tiêu để chuyển dần từ tiêu sang cây ăn quả”, ông Nguyễn Hồng Tuyên - nông dân xã Sơn Bình nói.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn: Huyện đã cảnh báo nông dân về những rủi ro trong phát triển cây hồ tiêu và địa phương cũng không khuyến khích người dân phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, để giúp người dân phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững, hiệu quả, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, đầu tư thâm canh, xây dựng các mô hình... cho nông dân. Cao điểm vào năm 2016, diện tích hồ tiêu ở Khánh Sơn lên đến 88ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 38ha. Diện tích hồ tiêu ở Khánh Sơn không lớn nhưng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của sự biến động giá hiện nay. Nguyên nhân hồ tiêu rớt giá là do cung vượt cầu. Bệnh chết nhanh, chết chậm khó điều trị cũng khiến cho nông dân không còn mặn mà với cây tiêu. Nông dân trên địa bàn huyện đang chuyển dần hồ tiêu sang trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường. Hiện nay, nông dân Khánh Sơn không còn ươm hồ tiêu để trồng mới nữa.


BÍCH LA