10:11, 13/11/2017

Tập trung tái sản xuất

Những ngày này, người dân huyện Khánh Sơn tích cực khôi phục diện tích cây trồng bị thiệt hại do bão và chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Khó khăn nhất của nhiều nông dân hiện nay là nguồn vốn để đầu tư mua giống, phân bón tái sản xuất.

Những ngày này, người dân huyện Khánh Sơn tích cực khôi phục diện tích cây trồng bị thiệt hại do bão và chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Khó khăn nhất của nhiều nông dân hiện nay là nguồn vốn để đầu tư mua giống, phân bón tái sản xuất.


Cơn bão vừa qua khiến gia đình bà Bo Bo Thị Thơm (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) có 85 cây sầu riêng hơn 15 năm tuổi bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 20 trụ tiêu và 4 sào cà phê bị đổ ngã. Mấy ngày nay, vợ chồng bà phải chạy khắp nơi thuê nhân công cưa những cây sầu riêng bị đổ, không thể khôi phục được và dọn dẹp cành lá để tái sản xuất. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản vì nhu cầu thuê nhân công trên địa bàn huyện đang tăng cao. Bà dự định sau khi dọn hết cây đổ ngã sẽ trồng một số loại cây ngắn ngày để lấy nguồn thu trước mắt, sau đó trồng sầu riêng trở lại. “Năm 2016, gia đình tôi vay 80 triệu đồng để đầu tư chăm sóc sầu riêng, cà phê, hồ tiêu. Đến nay, chúng tôi đã trả được 38 triệu đồng, số tiền còn lại dự định cuối năm sẽ trả hết. Bây giờ, cây trồng thiệt hại quá nặng, chúng tôi phải làm lại từ đầu. Mong Nhà nước tạo điều kiện cho gia đình tiếp tục vay vốn tái sản xuất”, bà Thơm bày tỏ.

 

Người dân xã Sơn Hiệp phát dọn vườn cây bị thiệt hại sau bão để khôi phục sản xuất

Người dân xã Sơn Hiệp phát dọn vườn cây bị thiệt hại sau bão để khôi phục sản xuất


Thống kê chưa đầy đủ, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại hơn 600ha cây ăn quả, cây công nghiệp, mía tím, 486ha rừng trồng sản xuất tại Khánh Sơn. Nhiều diện tích bị ảnh hưởng do gió lớn, mưa kéo dài làm tổn hại bộ rễ và nguy cơ nhiễm sâu bệnh. “Thị trấn Tô Hạp là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trên địa bàn huyện. Thống kê đến ngày 9-11, trên địa bàn có 65 căn nhà bị tốc mái, 4 căn nhà bị sập; hơn 123ha cây công nghiệp, mía tím, cây ăn quả, 60ha keo bị đổ gãy. Những ngày này, thị trấn đang tập trung lực lượng hướng dẫn, giúp đỡ những hộ bị thiệt hại tận thu diện tích rừng trồng; chăm sóc những diện tích có khả năng phục hồi; phát dọn ruộng, vườn, nương rẫy chuẩn bị sản xuất vụ tiếp theo”, ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp nói.


Bà Nguyễn Thị Ngọc - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Ba Cụm Bắc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, địa phương tích cực hướng dẫn người dân thoát nước nhanh các vườn cây ăn quả, cây công nghiệp, mía tím, ruộng lúa nước để thông thoáng bộ rễ; cắt bỏ những cành gãy, cây bị tổn thương nặng để tránh ảnh hưởng đến những cây xung quanh. Ngoài ra, các ngành chuyên môn của huyện đã xuống tận vườn hướng dẫn người dân phòng tránh một số bệnh thường gặp sau mưa bão như: nấm, bệnh sì mủ trên cây sầu riêng; bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu…


Theo ông Cao Phạm Cưỡng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của người dân đó là nguồn vốn tái đầu tư sản xuất, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sau vụ thu hoạch năm 2017, nhiều hộ đã đầu tư cả trăm triệu đồng để chăm sóc các loại cây ăn quả cho vụ sau. Nhưng sau cơn bão, cây trồng bị đổ gãy, người dân không chỉ thiệt hại hàng tỷ đồng mà không ít hộ còn lâm vào cảnh nợ nần. Trên địa bàn huyện hiện nay có rất nhiều hội viên, nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Hội đã kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, gia hạn thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay; đồng thời tiếp tục cho người dân vay mới để khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống.


Đinh Luận