10:09, 10/09/2020

Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy: Điểm sáng trong nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP) - Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện nhiều công trình có giá trị thực tiễn, đặc biệt là các sản phẩm tàu cá vỏ composite, góp phần vào sự phát triển đa dạng các sản phẩm vật liệu mới phục vụ đời sống xã hội.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP) - Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện nhiều công trình có giá trị thực tiễn, đặc biệt là các sản phẩm tàu cá vỏ composite, góp phần vào sự phát triển đa dạng các sản phẩm vật liệu mới phục vụ đời sống xã hội.


Đột phá từ ứng dụng composite


Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu chế tạo tàu cá và thiết bị của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Ra đời năm 1986, viện có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực tàu thuyền và thiết bị phục vụ ngành thủy sản nói riêng và ngành kinh tế biển nói chung. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt - Giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy cho biết, bước chuyển trong quá trình hoạt động của đơn vị là vào đầu năm 1990, khi viện kết hợp với Trung tâm Polyme - Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu composite để chế tạo tàu thuyền”. Kết quả của đề tài là sự ra đời của con tàu vỏ composite đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 6-1990, tàu VN90. Thành công của đề tài đã góp phần định hướng hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của viện là nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới (composite) trong lĩnh vực tàu thuyền và hậu cần nghề cá.

 

Hoạt động tại xưởng đóng tàu của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy.

Hoạt động tại xưởng đóng tàu của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy.


Trong suốt quá trình phát triển hơn 30 năm qua, viện đã đạt nhiều thành tựu cả về kinh tế và khoa học công nghệ. Viện đã thiết kế và đóng mới hàng trăm tàu thuyền và canô các loại, nhất là tàu cá vỏ composite; bọc composite cho tàu cá vỏ gỗ; sản xuất và cung cấp két dầu, két nước, bể nuôi thủy sản bằng vật liệu composite... Các sản phẩm này có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, viện đã đóng mới 40 tàu cá vỏ composite cho ngư dân các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận. Viện còn thiết kế và đóng mới 9 nhà hàng nổi (100 - 120 khách) đảm bảo an toàn, phục vụ nhu cầu cho khách du lịch. Bên cạnh đó, viện còn thực hiện kiểm nghiệm vật liệu cho tất cả các nhà máy đóng tàu khu vực miền Trung, tham gia đào tạo kỹ sư ngành tàu thuyền, đào tạo sau đại học ngành kỹ thuật tàu thủy, chuyển giao công nghệ thi công vật liệu composite cho một số đơn vị.


Vượt khó để tiếp tục phát triển

*Với những thành tích trên, từ năm 2015 đến nay, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy đã được nhận 2 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 bằng khen của UBND tỉnh và 1 bằng khen của UBND tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, 2 năm liền, đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc


Những năm trở lại đây, cơ sở vật chất của viện đã được nâng cấp, xưởng đóng tàu rộng hơn 3.000m2 có các trang thiết bị chuyên dùng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Phòng thí nghiệm được trang bị các máy móc kiểm nghiệm khá hiện đại, đáp ứng quy chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Phòng thiết kế được trang bị nhiều thiết bị và phần mềm, có thể thiết kế các mẫu tàu thuyền mới với chất lượng cao. Đặc biệt, đội ngũ khoa học công nghệ của viện có nhiều chuyển biến về chất. Hiện nay, viện có 53 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 6 kỹ sư.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt cho biết, trong thời gian sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, viện đã tăng cường củng cố trình độ chuyên môn cho cán bộ, dự báo sản phẩm có thể tiêu thụ sau khi kinh tế phục hồi để tiếp tục sản xuất, đảm bảo trang trải chi phí hoạt động và tạo việc làm cho công nhân. Thời gian tới, viện sẽ tiếp tục tái cơ cấu tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ kế cận tham gia nhiều hơn công tác quản lý. Bên cạnh đó, viện tập trung đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hình thức, chú trọng đưa vào thực tiễn những đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Chẳng hạn như: Phát triển các mẫu tàu cá vỏ composite phục vụ khai thác thủy sản; nghiên cứu hệ thống bể nuôi hiện đại phục vụ ngành nuôi biển; nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm phục vụ du lịch biển (tàu khách cao tốc, tàu khách phục vụ du lịch thay thế đội tàu gỗ tại Nha Trang, du thuyền vỏ composite cỡ nhỏ phục vụ khách du lịch cao cấp…); thiết kế hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn quy định…


H.NGÂN