09:07, 08/07/2019

Đông trùng hạ thảo "made in" Nha Trang

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và môi trường, Trường Đại học Nha Trang đã sản xuất thành công nấm dược liệu đông trùng hạ thảo từ năm 2016, mở ra hướng đi mới gắn nghiên cứu với đào tạo.

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và môi trường, Trường Đại học Nha Trang đã sản xuất thành công nấm dược liệu đông trùng hạ thảo từ năm 2016, mở ra hướng đi mới gắn nghiên cứu với đào tạo.


Nghiên cứu thành công


Theo Thạc sĩ Khúc Thị An, trưởng nhóm nghiên cứu, đông trùng hạ thảo là dược liệu quý của Trung Quốc từ nấm, có giá trị rất cao. Thực tế, đông trùng hạ thảo đã được nhiều nơi trong và ngoài nước nghiên cứu, sản xuất thành công. Theo các tài liệu khoa học, đông trùng hạ thảo có tới 680 loài nấm thuộc chi Cordyceps, trong đó có 2 loài được sử dụng lâu đời là C. sinensis và C. militaris.

 

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại Viện Công nghệ sinh học  và môi trường, Trường Đại học Nha Trang.

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại Viện Công nghệ sinh học và môi trường, Trường Đại học Nha Trang.


Sau khi tìm hiểu, nhóm của Trường Đại học Nha Trang chọn loài Cordycep militaris để nghiên cứu, sản xuất đông trùng hạ thảo, vì đây là dòng nấm cho sản phẩm chứa nhiều dược chất nhất. Giảng viên Văn Hồng Cầm - thành viên của nhóm cho biết, khó khăn trong quá trình nghiên cứu là giá một số loại giống nấm đạt tiêu chuẩn cho nghiên cứu và sản xuất khá cao; khả năng thích nghi với các loại môi trường thử nghiệm chậm; điều kiện phòng thí nghiệm chưa ổn định nên khả năng nhiễm tạp vi sinh vật cao, nhiều lô thử nghiệm đã không thành công… Lúc đầu, nấm Cordycep militaris được nuôi trên môi trường thạch nhưng năng suất không cao, sau đó nhóm phải chuyển sang môi trường lỏng và thu được khả quan hơn.   


Sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên ra lò vào tháng 5-2016 càng khích lệ hướng nghiên cứu của cả nhóm. Quy trình phát triển của nấm Cordycep militaris tóm tắt như sau: nấm giống gốc nuôi cấy trong môi trường thích hợp, cơ chất hữu cơ bao gồm nhộng, ngũ cốc hay hỗn hợp, sau thời gian sẽ phát triển thành đông trùng hạ thảo.


Gắn nghiên cứu với đào tạo


Từ những thành quả đạt được, nhóm tập trung hoàn thiện quy trình nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất. Nhóm đã tiến hành phân lập các giống nấm Cordycep trên thị trường để chọn lọc và thử nghiệm nuôi cấy tìm chủng loại có năng suất và chất lượng cao. Sản phẩm được gửi phân tích tại Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tại Hà Nội và Trung tâm Phân tích dịch vụ Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh). Kết quả, 2 dược chất của sản phẩm nấm khô do nhóm sản xuất là Adenozin đạt 0,95mg/g và Cordycepin đạt 16,37mg/g, hàm lượng khá cao so với kết quả nghiên cứu đông trùng hạ thảo hiện nay. Đồng thời, các chỉ tiêu vi sinh, hóa học đều đạt chuẩn của Bộ Y tế về thực phẩm chức năng, đủ điều kiện đưa ra thị trường. Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu các thử nghiệm liên quan như: bổ sung một số nguyên liệu từ rong biển sản xuất sản phẩm chay đông trùng hạ thảo; nghiên cứu ảnh hưởng của bã cà phê lên sự phát triển của nấm Cordyceps militaris; sự phát triển của sợi nấm Cordyceps militaris trên nhiều môi trường nuôi cấy khác nhau.


Sau khi nghiên cứu thành công, nhóm trực tiếp tham gia đào tạo cho cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa; đồng thời cung cấp giống và sản phẩm cho nhiều đơn vị khác có nhu cầu. Thạc sĩ An cho biết, các nghiên cứu và sản xuất hiện nay còn ở quy mô nhỏ, chưa nhằm mục đích thương mại và thu lợi nhuận. Đồng thời, viện là đơn vị nghiên cứu khoa học, không phải là doanh nghiệp nên khó mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, viện vẫn tiếp tục thực hiện nhiều đề tài, công trình liên quan, gắn nghiên cứu với đào tạo. Thời gian qua, các sản phẩm nấm tươi và khô của nhóm cũng đã được đón nhận bởi một số đơn vị tại Khánh Hòa, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, việc sản xuất vẫn tiến hành, quy mô vài chục ký tươi/đợt (3 tháng) theo yêu cầu của một số đơn vị đặt hàng. Nhóm cũng tiếp tục có những thử nghiệm mới trợ giúp sinh viên thực tập tốt nghiệp.


Theo Thạc sĩ An, định hướng của nhóm là sẽ tiếp tục gắn nghiên cứu với sản xuất, liên kết với các đơn vị có nhu cầu để sản xuất thương mại ở quy mô nhỏ, gắn đào tạo sinh viên với nghiên cứu khoa học.


V.LẠC