01:08, 29/08/2020

Nhân lực quản lý cấp cao trong lĩnh vực khách sạn: Vừa thiếu, vừa yếu

Nhân lực quản trị cấp cao trong lĩnh vực khách sạn ở Khánh Hòa nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung nói chung vừa thiếu vừa yếu. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có chiến lược phát triển nhân lực cấp cao, từ việc nâng cao năng lực đào tạo cho đến chế độ thu hút nhân lực chất lượng cao…

Nhân lực quản trị cấp cao trong lĩnh vực khách sạn ở Khánh Hòa nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung nói chung vừa thiếu vừa yếu. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có chiến lược phát triển nhân lực cấp cao, từ việc nâng cao năng lực đào tạo cho đến chế độ thu hút nhân lực chất lượng cao…


Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Làn sóng đầu tư cơ sở lưu trú tập trung cao độ ở khu vực duyên hải miền Trung đã khiến du lịch các địa phương thiếu hụt về nhân lực, đặc biệt là quản lý cấp cao ở lĩnh vực khách sạn. Mới đây, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển nguồn nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng” để đánh giá thực trạng cũng như đưa ra các giải pháp để giải quyết bài toán này.

 

Một góc Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh. Ảnh: Mạnh Hùng

Một góc Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh. Ảnh: Mạnh Hùng


Nhân lực quản lý cấp cao còn thiếu


Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình - Vụ phó Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), đến hết năm 2019, 5 tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng có khoảng 130.000 phòng lưu trú (chiếm 20% toàn quốc), trong đó hạng 4 - 5 sao có 191 cơ sở với 38.000 phòng (chiếm 38%). Để hoạt động hiệu quả với công suất hơn 60%, mỗi cơ sở lưu trú 4 - 5 sao cần 1,7 lao động/phòng và 35 người đóng vai trò quản lý các cấp.  Như vậy, 5 địa phương trên cần 65.000 lao động cho khối lưu trú 4 - 5 sao, trong đó khoảng 6.700 - 7.000 nhân sự quản trị. Tuy nhiên, số lượng nhân lực ở khối 4 - 5 sao của các địa phương mới chỉ đáp ứng 80%.


Theo các chuyên gia du lịch, so với mặt bằng chung cả nước, chất lượng nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn của 5 tỉnh ở nhóm cao, nhất là Khánh Hòa và Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngành khách sạn ở khu vực vẫn thiếu nhân lực quản trị cấp cao có chuyên môn cao. Nhiều cơ sở du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, hiệu quả kinh doanh thấp. Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá 388 cán bộ quản lý của các khách sạn 3 - 5 sao trong khu vực, nhóm nghiên cứu gồm: Thạc sĩ Trương Thị Hà (Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang), Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Huy (khách sạn Mường Thanh Luxury Nha Trang) kết luận: “Nhân lực quản lý cấp cao trong lĩnh vực khách sạn của các tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng; chất lượng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển du lịch hiện nay”.


Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, do thiếu hụt nhân sự quản trị cấp cao nên lực lượng này thường xuyên “nhảy” việc, gây khó khăn trong công tác ổn định nhân sự của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch. Hiện nay, dịch Covid-19 đã khiến du lịch ngưng trệ, nhu cầu nhân sự cho khối khách sạn 4 - 5 sao sẽ giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, khu vực duyên hải miền Trung phát triển “nóng” về du lịch nên về lâu dài vẫn cần phát triển nhân lực cấp cao quản lý khách sạn.


Cần có chiến lược dài hạn

 

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch; 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Hàng năm, ngành du lịch cần 25.000 lao động mới và cần đào tạo lại con số tương đương nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được 60%, dẫn đến thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân sự cấp cao trong lĩnh vực quản lý khách sạn.

Tại hội thảo, các diễn giả cho biết, độ tuổi quản trị cấp cao trong ngành khách sạn Việt Nam hiện nay là 45 - 50 tuổi, trong khi xu hướng của thế giới đang trẻ hóa đội ngũ quản trị. Hiện tại, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực khách sạn được đào tạo tại chỗ của khu vực duyên hải miền Trung chỉ chiếm 60%, còn lại dịch chuyển từ các địa phương khác đến. Để nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực quản trị cấp cao trong lĩnh vực khách sạn, ngành du lịch các tỉnh, thành trong khu vực cần có giải pháp đồng bộ như: Các trường nâng cao năng lực đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao; các doanh nghiệp có chế độ thu hút nhân lực quản trị cấp cao từ trong và ngoài nước về làm việc; chú trọng tuyển chọn, đào tạo và tạo cơ hội thăng tiến cho các nhân sự có tiềm năng…


Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), hiện nay, việc đào tạo nhân lực du lịch của các trường còn nhiều hạn chế, chủ yếu đào tạo nghề, chưa đào tạo được những người quản trị cấp cao. Theo khảo sát của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, chỉ 20% nhân lực đáp ứng được nhu cầu khách sạn 3 - 5 sao. Hầu hết các cơ sở lưu trú cao cấp muốn có nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phù hợp yêu cầu thì phải đào tạo lại. Ở 5 tỉnh, thành du lịch phát triển ở duyên hải miền Trung, vấn đề nhân lực du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Vì vậy, ông Lương cho rằng về lâu dài Việt Nam cần phải thành lập Học viện Du lịch để góp phần giải bài toán này.


TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực quản trị cấp cao trong lĩnh vực khách sạn cần phải có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế (cập nhật các chương trình mới; mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy; gửi giáo viên, học viên đi đào tạo ở nước ngoài…). 


XUÂN THÀNH