10:12, 08/12/2017

Băn khoăn trước quy định mới

Ngày 1-1-2018, Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực, trong đó có những quy định mới về điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên du lịch. Trước những thay đổi đó, các hướng dẫn viên du lịch đang có nhiều băn khoăn...

Ngày 1-1-2018, Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực, trong đó có những quy định mới về điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Trước những thay đổi đó, các HDV du lịch đang có nhiều băn khoăn...


Những thay đổi


Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Điều kiện hành nghề HDV có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch năm 2005 nhằm tạo điều kiện cho HDV được tự do lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý. Các quy định này thể hiện tinh thần nâng cao trình độ nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của HDV trong hoạt động hướng dẫn”.

 

Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đi tham quan tại một điểm du lịch ở Nha Trang

Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đi tham quan tại một điểm du lịch ở Nha Trang


Theo số liệu của Sở Du lịch, toàn tỉnh hiện có 842 người được cấp thẻ HDV du lịch, trong đó có 463 người được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế. Phần lớn trong số đó là HDV tự do. Trên địa bàn tỉnh hiện có 227 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 48 DN lữ hành quốc tế. Đa số các DN lữ hành đều có quy mô vừa và nhỏ, nên số lượng HDV được ký hợp đồng làm việc ổn định cho DN rất ít. “Các DN lữ hành thường sử dụng cộng tác viên. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho công ty, nhưng vẫn đảm bảo có HDV để đưa khách đi tham quan. Vì thế, nếu bây giờ áp dụng quy định mới thì các công ty lữ hành bị ảnh hưởng rất nhiều”, giám đốc một DN lữ hành ở Nha Trang cho biết.


Anh Nguyễn Trường Thuật - HDV du lịch tự do ở Nha Trang cho biết: “Tôi đã có 10 năm làm HDV du lịch tự do. Trước đây, HDV chỉ cần có thẻ HDV là có thể hành nghề, nhưng nay phải có hợp đồng với công ty hoặc tham gia vào tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì mới được hướng dẫn. Những ngày qua, một số HDV lâu nay vẫn cộng tác với các DN lữ hành đã yêu cầu công ty ký hợp đồng cộng tác từ 6 tháng đến 1 năm. Còn đa số vẫn hoang mang và mong được tham gia vào một tổ chức xã hội - nghề nghiệp”. Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng - HDV du lịch tự do có 6 năm hành nghề ở Nha Trang cho rằng: “Tôi và nhiều anh em HDV du lịch tự do khác mong muốn có được một cuộc gặp mặt với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hoặc Sở Du lịch để được nắm rõ thông tin và tìm hướng cho mình”.


Việc quản lý hoạt động của hướng dẫn viên sẽ chặt chẽ hơn

 

Theo Luật Du lịch năm 2017, HDV du lịch gồm 3 đối tượng: HDV du lịch nội địa, HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch tại điểm. HDV du lịch chỉ được hành nghề khi đáp ứng 3 điều kiện: có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Ngày 27-10, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố sớm triển khai thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch ở các địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi của HDV, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho HDV, đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của HDV. Cùng ngày, Tổng cục Du lịch có công văn gửi Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị xem xét sớm thành lập Hội HDV du lịch Việt Nam.


Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, sau khi nhận được công văn trên, Sở Du lịch đang tiếp tục nghiên cứu, khi Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực thì sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngày 1-12, Tổng cục Du lịch có công văn nói rõ về hợp đồng lao động giữa HDV với các công ty lữ hành, công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn. Vì vậy, việc quản lý hoạt động của HDV thời gian tới sẽ chặt chẽ hơn.


Được biết, ngày 3-11, Hội HDV du lịch Việt Nam thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chính thức được thành lập. Ở Khánh Hòa cũng đã có Chi hội HDV thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đang giao cho Chi hội Lữ hành và Chi hội HDV tìm hiểu để đưa ra giải pháp thu hút HDV du lịch tự do tham gia tổ chức của mình. Chúng tôi sẽ gặp gỡ các HDV để cùng bàn bạc cụ thể về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Chi hội HDV”.


Thời hạn áp dụng Luật Du lịch năm 2017 đã cận kề, nên chăng các cơ quan chức năng và Hiệp hội Du lịch cần sớm có giải pháp giúp đội ngũ HDV tự do có thể ổn định tư tưởng và yên tâm làm nghề.


NHÂN TÂM