11:08, 22/08/2017

Khai thác du lịch ở Điệp Sơn: Không có chuyện độc quyền

Gần đây, dư luận xôn xao về tình trạng "ngăn sông cấm chợ" đối với hoạt động du lịch ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định, không có chuyện độc quyền trong hoạt động du lịch ở Điệp Sơn.

Gần đây, dư luận xôn xao về tình trạng “ngăn sông cấm chợ” đối với hoạt động du lịch ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định, không có chuyện độc quyền trong hoạt động du lịch ở Điệp Sơn.


“Con sâu làm rầu nồi canh”


Theo ông Võ Lục Phẩm, trong mấy ngày qua thông tin về việc nhân viên của một doanh nghiệp (DN) du lịch ở Điệp Sơn ngăn cản không cho đoàn khách của công ty khác vào trong khu vực con đường đi bộ dưới biển nối từ đảo Hòn Bịp qua đảo Hòn Ó đã gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo huyện Vạn Ninh đã làm việc với các ngành, địa phương và các DN để tìm hiểu rõ sự việc. Qua đó, huyện khẳng định không có chuyện DN độc quyền, cát cứ khai thác du lịch ở Điệp Sơn. Các DN được cấp phép thực hiện hoạt động kinh doanh du lịch ở Điệp Sơn đều tuân thủ đúng các quy định. Sự việc trên chỉ mang tính chất đơn lẻ và xuất phát từ sự bất đồng trong vấn đề hợp tác kinh doanh giữa các công ty với nhau. “Từ khi có thông tin trên, lượng khách đến Điệp Sơn trong những ngày qua có chiều hướng giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của chính các DN. Vì thế, chúng tôi mong muốn các DN không để xảy ra những mâu thuẫn gây hiểu lầm trong dư luận xã hội”, ông Võ Lục Phẩm chia sẻ.

 

Du khách xuống bến ca nô ở khu vực Vạn Giã để đi tham quan Điệp Sơn

Du khách xuống bến ca nô ở khu vực Vạn Giã để đi tham quan Điệp Sơn


Hiện tại, ở các đảo: Hòn Bịp, Hòn Ó, Hòn Mao, Hòn Một (thôn Điệp Sơn) có 3 DN được cấp phép hoạt động du lịch gồm Công ty Cổ phần Sơn Nam, Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Đông Đô, Công ty Du lịch Bửu Văn. Tuy nhiên, chỉ có khu vực Hòn Bịp được Công ty Cổ phần Sơn Nam đầu tư quy mô nhất. Ở đây, DN đã làm 3 nhà hàng, 6 chòi cho khách thuê lưu trú qua đêm, một chiếc cầu tàu bằng gỗ. Cùng với đó, đầu tư 6 ca nô để vận chuyển khách và một số phương tiện vui chơi giải trí trên biển như: mô tô nước, thuyền kayak.


Theo ông Nguyễn Bá Luân - Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Nam, có khoảng 80% lượng khách đến Điệp Sơn hàng ngày sử dụng các dịch vụ của công ty như: đi lại bằng ca nô, ăn uống, lưu trú. “Khách của công ty chúng tôi hoặc của các đối tác gửi qua đều được sử dụng các dịch vụ đã có. Còn đối với những đoàn khách hoặc nhóm khách lẻ không thông qua công ty chúng tôi vẫn được tự do đến tham quan, chụp hình ở khu vực con đường đi bộ dưới biển mà không phải đóng một khoản phí nào. Chúng tôi chỉ không cho những khách này đi vào phía trong khu vực nhà hàng nhằm đảm bảo tài sản, hành lý cho khách của công ty chúng tôi”, ông Nguyễn Bá Luân cho biết.

 

Một đoàn khách nước ngoài được nhân viên Công ty Cổ phần Sơn Nam làm thủ tục bảo lãnh đến Điệp Sơn

Một đoàn khách nước ngoài được nhân viên Công ty Cổ phần Sơn Nam làm thủ tục bảo lãnh đến Điệp Sơn


Còn về vụ việc nhân viên Công ty Cổ phần Sơn Nam ngăn đoàn khách như dư luận phản ánh, ông Luân thừa nhận đó là do có sự bất đồng giữa công ty ông với công ty đưa đoàn khách trên. Một phần khác do thái độ của nhân viên chưa thật sự mềm mỏng trong khi xử lý tình huống. “Chúng tôi hoàn toàn không có ý cấm cản bất cứ một du khách nào đến với Điệp Sơn. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc đáng tiếc trên chúng tôi cũng rút ra được bài học và có sự chấn chỉnh kịp thời đối với nhân viên”, ông Nguyễn Bá Luân nói.   


Ông Đỗ Thành Quân - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt Nam - DN có đoàn khách bị ngăn cản cho biết, cách đây khoảng 4 tuần thì vấn đề hợp tác kinh doanh giữa công ty của ông với Công ty Cổ phần Sơn Nam có những bất đồng. Chính vì thế Công ty Cổ phần Sơn Nam đã không nhận đón khách của Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt Nam. Điều này đã gây khó khăn, thiệt hại nhất định cho hoạt động kinh doanh của công ty khi đưa khách đến Điệp Sơn.


Từng bước chấn chỉnh

 

Thượng tá Phan Ngọc Bình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vạn Hưng (đơn vị quản lý Trạm Biên phòng Vạn Giã) cho biết: Hàng ngày, ở khu vực cảng Vạn Giã có nhân viên của các công ty du lịch đứng ra mời chào những nhóm khách lẻ đi tour Điệp Sơn của đơn vị mình. Tuy nhiên, hoàn toàn không có tình trạng chèo kéo, tranh giành khách. Chúng tôi chưa ghi nhận vụ việc nào gây mất an ninh trật tự liên quan đến việc mời chào khách du lịch ở khu vực cảng Vạn Giã.

Theo ông Võ Lục Phẩm: “Khi mới phát sinh hoạt động du lịch ở Điệp Sơn đã bộc lộ nhiều vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Chính vì thế, ngày 19-6-2016, UBND huyện Vạn Ninh đã ra Quyết định 637, ban hành Phương án tạm thời về việc phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại thôn Điệp Sơn. Qua hơn 1 năm triển khai đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch ở Điệp Sơn”.


Tuy nhiên, để hoạt động du lịch ở Điệp Sơn được quản lý tốt hơn, tại cuộc họp ngày 17-8, UBND huyện Vạn Ninh đã đề nghị các ngành, địa phương liên quan rà soát lại nội dung của Quyết định 637 và kịp thời báo cáo đề xuất UBND huyện xem xét điều chỉnh, bổ sung các nội dung chưa phù hợp. Trong đó, lưu ý một số vấn đề như: diện tích mặt đất, mặt nước cho thuê; việc quản lý, sử dụng của bên được hợp đồng, nhất là không được ngăn, cấm du khách tham quan thủy đạo Điệp Sơn; vấn đề tranh giành, chèo kéo khách tham quan; thái độ phục vụ khách đảm bảo lịch sự - văn hóa; vấn đề thu phí các dịch vụ theo quy định của Nhà nước và an toàn bến bãi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Việc điều chỉnh, bổ sung này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững du lịch tại Điệp Sơn trong thời gian đến.


Đối với hoạt động kinh doanh của các DN, ông Võ Lục Phẩm cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu các công ty thực hiện việc niêm yết công khai giá dịch vụ: giá vé đi ca nô, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phí tham quan (nếu có)...


Nhân Tâm