12:08, 14/08/2017

Hệ thống dữ liệu khách lưu trú: Nhiều tiện ích

Đề tài "Xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức quản lý, kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh" vừa được các ngành chức năng thông qua và đánh giá có tính thực tiễn cao. Dự kiến, hệ thống dữ liệu khách lưu trú sẽ được áp dụng vào năm 2018.

Đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức quản lý, kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh” vừa được các ngành chức năng thông qua và đánh giá có tính thực tiễn cao. Dự kiến, hệ thống dữ liệu khách lưu trú sẽ được áp dụng vào năm 2018.


Tiết kiệm thời gian


Thời gian qua, để quản lý tốt các hoạt động phát sinh từ du lịch, cơ quan quản lý yêu cầu các khách sạn khai báo thông tin khách lưu trú. Có cơ quan quản lý đã xây dựng phần mềm khai báo qua mạng, nhưng có đơn vị vẫn khai báo theo kiểu thủ công. Với việc khai báo cùng một nội dung cho nhiều cơ quan trong một ngày tạo nhiều áp lực, mất nhiều thời gian cho các khách sạn.

 

Quản lý ở một khách sạn ở TP. Nha Trang cho biết, 1 khách lưu trú khách sạn phải khai báo thông tin cho 2 cơ quan là thuế và công an. Ngoài ra, khách sạn còn phải khai báo định kỳ kết quả kinh doanh cho Cục Thống kê và Sở Du lịch; kê khai thông tin của khách lưu trú quốc tế trên trang thông tin điện tử Cục Quản lý xuất nhập cảnh... “Việc khai nhiều lần như hiện nay làm cho khách sạn mất nhiều thời gian dẫn đến tăng chi phí, nguy cơ mất an toàn thông tin rất lớn”, vị quản lý này chia sẻ.


Thạc sĩ Ngô Duy Khánh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nguồn lực công nghệ thông tin tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, 2 ngành Thuế và Công an đã ứng dụng việc khai báo qua mạng. Tuy nhiên, 2 hệ thống này hoạt động độc lập với nhau nên thông tin của 2 cơ quan này không hẳn trùng khớp, vì có thể có khách sạn khai báo thiếu trung thực nhằm trốn thuế.

 

Khách du lịch làm thủ tục tại khách sạn

Khách du lịch làm thủ tục tại khách sạn

 

Quản lý hiệu quả hơn


Trước tình hình trên, thạc sĩ Ngô Duy Khánh đã tìm hiểu thực tế và phát hiện trong cơ chế vận hành quản lý thông tin khách lưu trú còn khá nhiều bất cập. “Hệ thống khai báo của ngành Công an đến nay không đáp ứng được lượng truy cập khi lượng khách lưu trú tăng; không thể cập nhật vào hệ thống các dịch vụ mới như: căn hộ nghỉ dưỡng (Condotel), phòng nghỉ tập thể (Hostel), cắm trại dã ngoại…; còn cơ quan thống kê và du lịch vẫn đang xử lý thông tin kiểu thủ công. Vì vậy, xây dựng phần mềm hệ thống dữ liệu khách lưu trú vừa giảm tải cho doanh nghiệp, giảm chi phí, đồng thời bảo đảm tốt hơn công tác quản lý của các cơ quan hữu quan”, thạc sĩ Ngô Duy Khánh nói.


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá: “Đề tài đã đáp ứng được mục tiêu đề ra, giúp các ngành quản lý cụ thể lượng khách du lịch đến và đi, có doanh thu để tính thuế, có số liệu để phân tích, dự báo xu hướng phát triển ngành Du lịch... Về phía các khách sạn cũng được lợi nhiều do rút gọn các thao tác khai báo; quản lý được lượng khách lưu trú ở cơ sở. Đề tài đã giải quyết 80% các bất cập trong công tác khai báo, quản lý thông tin giữa các cơ quan quản lý”.


Thạc sĩ Ngô Duy Khánh kiến nghị, sau khi nghiệm thu, hệ thống nên giao cho Công an tỉnh quản trị; UBND tỉnh nên có kế hoạch phổ biến, giới thiệu hệ thống đến toàn bộ các khách sạn và yêu cầu họ khai báo qua hệ thống này nhằm để đảm bảo độ chính xác, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và chống gian lận thương mại, thất thu thuế...


T.L