11:12, 10/12/2019

Những món ăn ký ức

Bây giờ, chỉ cần bấm vào một số điện thoại, gọi là có ngay món ăn đem tới tận nhà. Vào facebook, cả một thế giới ăn uống bày ra, nhiều món ăn hồi xửa hồi xưa không còn nữa. Ngẫm lại đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống, những mùa đi qua như bạn bè vẫn thường nói: Mới gặp nhau đó mà giờ đã là hôm qua.

Bây giờ, chỉ cần bấm vào một số điện thoại, gọi là có ngay món ăn đem tới tận nhà. Vào facebook, cả một thế giới ăn uống bày ra, nhiều món ăn hồi xửa hồi xưa không còn nữa. Ngẫm lại đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống, những mùa đi qua như bạn bè vẫn thường nói: Mới gặp nhau đó mà giờ đã là hôm qua.

 


Nha Trang thay đổi từng ngày, những khu đô thị mới mở ra, cuộc sống bây giờ hối hả hơn xưa và điều kiện sống cũng tốt hơn. Nhưng trong lòng thành phố rộn rã ấy vẫn còn cái hồn của những điều đã mất, những cái rất riêng tạo nên một Nha Trang xưa cũ.


Ngày ấy, con đường biển Nha Trang không đẹp như bây giờ, chỉ có cát biển và hàng cây dương liễu, trên bờ cát còn nhiều vạt rau muống biển mọc tràn, nở lung linh những bông hoa tím. Chiều chiều, người dân xuống biển ngồi trên bãi cát vui chơi, bao quanh là những người bán hàng. Đó là bà bán đậu hũ gánh. Thường bà gánh một hũ sành đựng đậu hũ nóng, bao quanh hũ sành là lớp bố dày giữ nhiệt. Đầu gánh bên kia là hũ đường đã thắng, chén, muỗng… Rồi những chiếc xe đẩy cứ đậu ở các con đường nhỏ xuống biển mà bán hàng. Trên chiếc xe có các món ăn như cóc, xoài ngâm chua ngọt. Những lát xoài hoặc trái cóc đã chẻ bung ra, cắm vào một cây tre nhỏ bỏ vào trong thẩu thủy tinh có nước cam thảo, muối đường. Khách mua chỉ việc lấy ra đưa, kèm theo ít muối ớt. Và nữa, ông bán cà rem cây đi xe đạp, hai bên yên xe là hai thùng sắt có đựng cà rem. Cà rem chủ yếu là nước pha với đường và sirô, ăn chỉ cảm nhận được cái lạnh và vị ngọt là chính…


Bây giờ phố vẫn còn những người bán đậu hũ nhưng bỏ trong thùng cách nhiệt, đạp xe đi thiệt nhanh. Có bà bán xôi bắp đẩy xe đi khắp phố, có cả ông bán bánh mì, bà bán bánh bột lọc, nhưng khách phải đem đĩa và chén ra đựng bánh và mắm. Hồi xửa hồi xưa có ông Tàu đạp xe qua các ngõ, rung cái chuông lắc vang trời là biết ông bán đậu phộng rang. Ông bán hai loại là đậu rang ngọt và đậu rang mặn. Khách hỏi mua, ông lấy giấy xi măng quấn thành cái phễu, xúc đậu còn nóng hổi đưa cho khách. Giờ thì ông bán đậu phộng ấy không còn nữa và cũng chẳng ai kế thừa nghề bán đậu của ông. Xưa, mấy bà bán bún bò, bún riêu “đòn gánh”, có nghĩa là tới chỗ đông người thì hạ gánh hàng xuống, lấy đòn gánh bỏ ra cho khách ngồi. Khách ngồi trên đòn gánh mà ăn giữa đất trời như thế. Rồi bà bán chè gánh, gánh chè nhỏ vậy mà đa dạng chè: trôi nước, đậu đen, đậu xanh hay có khi chè bắp, chè khoai tím, ai ăn thì đem ly ra mua. Cả xe phở gõ đi khắp thôn xóm, thỉnh thoảng bán món xương bò hầm, mua về gỡ những miếng thịt bám vào trong xương đã chín rục, chấm nước mắm dầm ớt mà ăn...


Những người buôn bán xưa giờ chắc đã già, không còn gồng gánh nữa, và cuộc sống đã đổi thay khi mọi nẻo đường quán xá mọc lên khắp nơi. Những món ăn vặt cũng đã khác và đa dạng như: khoai lang lắc, cóc lắc… rồi đến trà sữa, mì cay cấp độ 7 và nhiều thứ nữa, chẳng ai nghĩ đến hàng chè đòn gánh hay ông bán đậu phộng rang lắc chuông quanh xóm. Những món ăn ký ức ấy giống như một câu chuyện cũ để người già kể lại cho nhau nghe.


KHUÊ VIỆT TRƯỜNG