11:09, 04/09/2018

Về Hòn Khói nhớ món gỏi nước lèo

Mỗi lần có dịp về Hòn Khói, tôi luôn nhớ món gỏi nước lèo được ăn một lần, ngon khó quên!


Hôm đó chiều đã muộn, chúng tôi lên xe từ Nha Trang. Tháng 3 vẫn còn mùa xuân nên tiết trời lành lạnh. Phải đi giấc này, mùa này mới đúng điệu ăn món gỏi nước lèo, một người nói.

Mỗi lần có dịp về Hòn Khói, tôi luôn nhớ món gỏi nước lèo được ăn một lần, ngon khó quên!

 


Hôm đó chiều đã muộn, chúng tôi lên xe từ Nha Trang. Tháng 3 vẫn còn mùa xuân nên tiết trời lành lạnh. Phải đi giấc này, mùa này mới đúng điệu ăn món gỏi nước lèo, một người nói.


Chương trình chúng tôi ra Hòn Khói mục đích thưởng thức món gỏi nước lèo do một chị có “thâm niên” chế biến món này, mà giờ không còn mấy ai biết cách làm. Phải khách quý lắm mới được chị chiêu đãi, vì đúng nghĩa “của một đồng, công một nén” dành cho món gỏi đặc biệt chỉ có ở Ninh Hòa.


Vùng quê Hòn Khói nhà vườn rộng nên nguyên liệu chế biến đúng nghĩa “cây nhà lá vườn”. Thêm lợi thế vùng biển, người dân Hòn Khói quanh năm được hưởng thụ nguồn hải sản tươi xanh mới đánh bắt về. Trong thực đơn ẩm thực của họ có một món đặc biệt ngon với cách chế biến từ cá tươi và rau lá vườn nhà có tên gỏi dân dã là gỏi nước lèo, hay còn gọi là gỏi lua, làm nên một nét văn hóa ẩm thực riêng.


Nguyên liệu chính của gỏi nước lèo là từ các loại cá nhỏ, không vảy, thịt trong như: cá đục, cá mai, nhưng ngon và thông dụng nhất là cá cơm trỏng.


Mùa cá cơm trỏng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Để món gỏi ngon phải là cá mới đánh về, tươi xanh, còn cử động. 


Ở đây, hầu như nhà nào cũng có vườn trồng cây ăn trái sum suê và đặc biệt có đủ các loại rau, do đó nguyên liệu “độn” (chính) cho món gỏi có sẵn trong vườn nhà là lõi cây chuối hột. Phải là lõi bên trong cây chuối mới làm nên vị đặc biệt cho món này. Rau ăn gỏi gồm có xà lách, rau thơm, ngổ, tía tô… Đặc biệt, gỏi nước lèo không ăn với bún mà ăn với bánh tráng nướng dày sản xuất tại Ninh Hòa, mặn mặn, ngọt ngọt, giòn rụm, thơm thơm. Cá cơm trỏng lặt đầu, lấy xương. Tôm sú tươi, săn. Cách nấu giống như nấu lẩu (chua) với thơm, cà chua, nước me, nước dừa xiêm…


Khi chúng tôi đến nơi, tất cả các nguyên liệu đã được chủ nhà sẵn sàng, chờ khách đến là nổi lửa. “Bếp trưởng” cho biết, cá làm sạch để ráo rồi ngâm qua nước đá chanh cho cá chín tới. Tôm lột vỏ băm nhỏ. Lõi cây chuối hột bào mỏng vừa phải, ngâm qua nước muối pha loãng để giữ trắng. Hành tây bào mỏng. Thơm, cà băm nát. Hành khô bào mỏng phi vàng, đậu phụng rang muối giã dập… Trộn chuối đã bào mỏng, hành tây, cá cho đều rồi sắp ra đĩa, bày trên mặt rau thơm, hành phi, đậu phộng. Khâu quan trọng nhất chính là nước lèo. Tôm đã băm nhỏ xào sơ qua dầu ăn cho chín, bỏ thơm cà vào xào chín rồi cho nước dừa, nước me, một ít nước lạnh nấu sôi, nêm muối, mắm, đường phèn vừa ăn, ớt cắt lát cho sau cùng. Bí quyết ở đây là chỉ nêm đường phèn mới tạo vị ngọt thanh cho nồi nước lèo.


Chúng tôi ngồi vào ghế khi trên bàn đã đầy đủ các thứ: Nồi nước lèo sôi liu riu đặt chính giữa. Vệ tinh quanh nó là các đĩa gỏi rau sống, đặc biệt phải có rau ngổ mới làm nên hương vị cho món gỏi nước lèo, đĩa bánh tráng nướng, chén đậu phụng rang và chén nước mắm nguyên chất. Cho gỏi vào chén, chan nước lèo đang sôi, cho rau vào chén và thêm đậu phụng, bỏ vào một ít bánh tráng nướng.


Đêm dần buông, gió lạnh hơn, bên nồi nước lèo bốc khói, câu chuyện giữa chủ khách rôm rả như không có điểm dừng.


Món gỏi nước lèo thích hợp vào mùa se lạnh, gia đình họp mặt quây quần. Thưởng thức món gỏi này là tận hưởng hai trong một: vị biển và mùi rau vườn nhà. Vị cá  cơm ngọt, tươi, lõi chuối hột mềm vừa và vẫn giữ độ giòn; vị ngọt mà không hăng của hành tây hòa lẫn với vị chua, ngọt đậm nhưng thanh của nước lèo. Thêm vị béo, mùi thơm của đậu phụng rang. Ăn hoài không biết chán, không thấy no.


Hôm ấy, chúng tôi thật sự được “sống chậm” trong bầu không khí ấm cúng, món ăn ngon, tấm lòng mến khách của chủ nhà. Bây giờ nhớ lại, tôi bỗng thấy tiếc cho một món ăn chỉ có ở vùng quê Hòn Khói mà đời sống công nghiệp vội vã khiến ít ai có thời gian tỉ mỉ chế biến từng nguyên liệu cho một món đúng nghĩa “của một đồng, công một nén”.


BÌNH AN