11:03, 18/03/2020

Vạn Hưng khởi sắc nhờ cây tỏi

Ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tỏi chính là cây trồng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, thu nhập cho người dân.
 

 

Ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tỏi chính là cây trồng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, thu nhập cho người dân.
 
Từ những năm 2005, 2006, một số người dân ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa đã đem giống tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi đến thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng để trồng. Người dân Vạn Hưng thấy có hiệu quả nên làm theo, từ đó, diện tích trồng tỏi phát triển nhanh chóng. Ở những vùng đất không hiệu quả, vườn rẫy tạp, người dân mạnh dạn cải tạo theo hướng: đất được san bằng, rải lên một lớp đất màu dày khoảng 7-10cm rồi đầm chặt, bồi thêm một lớp đất cùng phân bón lót và cuối cùng phủ lên lớp cát san hô dày khoảng 3-5cm. Người này truyền cho người kia, ban đầu chỉ vài chục héc-ta, dần dần lên hàng trăm héc-ta và trở thành vùng trồng tỏi sẻ lớn nhất tỉnh.

 

Một khu vực trồng tỏi ở xã Vạn Hưng. Ảnh C.Đ
Một khu vực trồng tỏi ở xã Vạn Hưng. Ảnh C.Đ
 
Nhận thấy đây là cây trồng có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân trong xã, các cấp chính quyền đã vào cuộc. Những ruộng tỏi kiểu mẫu được hình thành, hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước ở vùng khô hạn này được đầu tư và cả những con đường vào khu trồng tỏi cũng được Nhà nước hỗ trợ. Cuối năm 2015, xã Vạn Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cây tỏi vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã có 3 thôn trồng nhiều tỏi gồm: Xuân Đông, Xuân Vinh và Xuân Tây với diện tích 150ha, chiếm 71,4% diện tích trồng tỏi trên địa bàn huyện (210ha). Năng suất tỏi ở đây ước đạt 7 tấn/ha, giá tỏi tươi hiện nay dao động từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/ha. Vào vụ thu hoạch, cây tỏi còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với việc cắt tỉa lá, phân loại, đóng bao và đưa đi tiêu thụ. Bình quân 1 công lao động được trả từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày.
 
Đến năm 2017, Hợp tác xã tỏi Vạn Hưng được thành lập, quy mô hoạt động trồng tỏi được mở rộng, nâng cao hơn so với trước. Hơn 20ha tỏi ở đây được đưa vào mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai. Đến năm 2018, diện tích tỏi này đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra hàng loạt liên kết tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
 
Hiện nay, người dân Vạn Hưng cùng với chính quyền địa phương nghiên cứu đem thêm giống tỏi mới về vùng đất này, trong đó có cây tỏi voi Nhật Bản. Hoạt động xây dựng thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tỏi cũng tiếp tục được xúc tiến, triển khai. Hy vọng, khi đã hình thành được mô hình sản xuất tỏi tiêu chuẩn, cùng với sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hình thành thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm tỏi sẻ ở Vạn Hưng sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của mình, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người trồng.
 
HUỲNH QUANG THÀNH