11:05, 19/05/2019

Xã Ninh Tây: Mai một nghề truyền thống của người Ê-đê

Xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nhiều đồng bào dân tộc Ê-đê sinh sống. Hơn 10 năm trước, gần một nửa số hộ người Ê-đê sinh sống bằng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan gùi. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này dần mai một.

 

Xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nhiều đồng bào dân tộc Ê-đê sinh sống. Hơn 10 năm trước, gần một nửa số hộ người Ê-đê sinh sống bằng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan gùi. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này dần mai một.


Người theo nghề ngày càng ít


Bà H’Lát là một trong những người lớn tuổi nhất ở thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm. Nối những mảnh thổ cẩm vừa đan xong, bà H’Lát cho hay, từ thời xa xưa, cuộc sống của những người đàn ông Ê-đê chủ yếu xoay quanh công việc làm rẫy, đan gùi, còn phụ nữ luôn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Cũng như những phụ nữ của thôn, bà học nghề đan thổ cẩm của mẹ từ nhỏ và gắn với khung dệt từ đó đến giờ. Trước đây, do sống được với nghề nên ở thôn rất nhiều người dệt thổ cẩm, nhưng bây giờ ít người mua nên họ nghỉ hết, chỉ còn một mình bà. Đan 1 cái mền, bà mất hết cả tháng, làm cái khố hay khăn địu trẻ nhỏ mất 10 ngày, khi bán ra, lời chỉ khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, chỉ cần đi chặt mía 1 ngày là kiếm hơn 100.000 đồng nên chẳng có ai, kể cả con cháu của bà chịu theo nghề.

 

Bà H’Lát - người còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở thôn Buôn Lác.

Bà H’Lát - người còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở thôn Buôn Lác.


Không chỉ nghề dệt thổ cẩm, nghề đan gùi truyền thống ở xã ngày càng ít đi. Ông Y Hồng - Trưởng thôn Buôn Lác cho biết, toàn thôn có 195 hộ, chiếm hơn 90% là người dân tộc Ê-đê. Trước năm 2003, hơn 50% người dân ở thôn sống bằng nghề đan gùi và dệt thổ cẩm, bây giờ chỉ còn 1 người theo nghề dệt thổ cẩm, nghề đan gùi khoảng 10 hộ. Hầu hết những người còn theo nghề đều đã lớn tuổi. Nguyên nhân của tình trạng trên do các trào lưu thời trang du nhập vào đã làm giới trẻ Ê-đê ở xã dần quên đi trang phục của dân tộc mình. Những bộ trang phục truyền thống chỉ còn xuất hiện trong những lễ hội nên nhu cầu đặt mua thổ cẩm để may không còn nhiều. Đường xá đi lại thuận lợi cho xe máy, xe công nông chở hàng hóa nên ít người Ê-đê mua gùi đeo đi rẫy như trước. Chưa kể, nguyên liệu làm gùi ngày càng ít, tiền lời sau khi bán gùi thấp nên nhiều người bỏ nghề.

Khó lưu giữ


Ông Y Ty - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây trăn trở: “Xã Ninh Tây có gần 2.700 người là đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, tập trung chủ yếu ở 3 thôn là: Buôn Sim, Buôn Lác và Buôn Tương. Nghề dệt thổ cẩm, đan gùi là nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người Ê-đê ở xã, nhưng bây giờ, số lượng người biết dệt, làm gùi ở xã giảm đi rất nhiều. Lớp trẻ bây giờ chỉ theo các nghề kiếm ra tiền nhanh như: chặt mía, làm công nhân… Hội Nông dân, UBND xã đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, trực tiếp đến nhà dân, lồng ghép vào các cuộc họp để khuyến khích người Ê-đê giữ nghề truyền thống của mình nhưng không có nhiều chuyển biến”.


Được biết, số lượng người còn giữ nghề dệt thổ cẩm và đan gùi phần lớn đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu. Thế hệ trẻ của đồng bào dân tộc Ê-đê ở xã chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu nên hầu như không quan tâm. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ, lưu giữ làng nghề chưa được chú trọng nên người dân ở xã không mặn mà với nghề truyền thống của làng.


Đứng trước nguy cơ làng nghề truyền thống dần mai một, vừa qua, tại Liên hoan các làng văn hóa do thị xã Ninh Hòa tổ chức, Hội Nông dân xã Ninh Tây lựa chọn nghề dệt thổ cẩm làm tiết mục dự thi. Thông qua hội thi, hội mong muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê-đê trên địa bàn xã và kêu gọi các nghệ nhân hãy gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.


Ông Y Ty kiến nghị: “Nếu Nhà nước không sớm có chính sách hỗ trợ để giúp người dân bảo tồn nghề truyền thống, khoảng vài năm nữa, khi những người biết làm nghề mất đi thì các nghề truyền thống của người Ê-đê ở xã coi như bị xóa sổ”.


C.Đan