10:02, 09/02/2018

Làm thêm ngày giáp Tết

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, dọn dẹp nhà cửa… của người dân TP. Nha Trang tăng cao. Vì thế, nhiều lao động tự do tranh thủ thời gian này đi làm thêm để có tiền lo Tết cho gia đình.

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, dọn dẹp nhà cửa… của người dân TP. Nha Trang tăng cao. Vì thế, nhiều lao động tự do tranh thủ thời gian này đi làm thêm để có tiền lo Tết cho gia đình.


Cứ vào dịp cuối năm, khi các chủ vườn hoa cảnh đưa hoa xuống phố để bày bán là 20 thành viên nhóm vận chuyển hoa cảnh phường Phương Sài lại tập hợp. Ngày thường, họ làm thợ hồ, thợ sơn, xích lô, xe ôm… nhưng khi gần Tết lại thành lập nhóm để vận chuyển cây cảnh. Các thành viên trong nhóm chia nhau thành tốp 5 người, túc trực ở các điểm bán hoa dọc tuyến đường Thái Nguyên. Đồng thời, liên kết với chủ bán hoa để khi có khách mua là luân phiên vận chuyển đến tận nhà. Tùy theo khoảng cánh gần xa để tính chi phí vận chuyển, bốc xếp. Sau mỗi chuyến vận chuyển, người chở phải nộp tiền lại cho trưởng nhóm và được ghi rõ ràng vào một cuốn sổ tay. Cuối ngày làm việc, trưởng nhóm phân chia thù lao đồng đều cho các thành viên. Anh Lê Văn Thành - thành viên của nhóm (ở phường Phước Long) cho biết: “Ngày thường tôi đi phụ hồ, cứ dịp cuối năm chúng tôi lại lập nhóm để kiếm thêm thu nhập lo Tết cho gia đình. Cách làm này vừa đảm bảo quyền lợi và tránh được tình trạng tranh dành khách hàng, gây mất trật tự an ninh. Trung bình mỗi ngày làm việc, tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng”.   

 

Nghề đánh đồ đồng dịp cuối năm cũng đắt khách.

Nghề đánh đồ đồng dịp cuối năm cũng đắt khách.


Nhiều người lại chọn việc trông giữ hoa cảnh cho các chủ vườn khi đưa hoa xuống phố bày bán. Ông Lê Văn Khánh (ở xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) cho biết, năm nào cũng vậy, khi người dân đưa hoa xuống phố ông lại ra phố tìm việc trông coi, bảo vệ tài sản cho các chủ quầy hoa qua đêm. Công việc của ông bắt đầu từ 21 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. “Thường ngày, tôi đạp xích lô chở rau xanh ở chợ Đầm, mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 đồng. Tranh thủ mấy ngày giáp Tết, tôi nghỉ làm ở chợ ra phố nhận trông coi, bảo vệ cho các quầy hoa cảnh. Mỗi đêm nhận việc, tôi và chủ quầy hoa phải kiểm đếm, giao nhận số lượng chậu hoa. Nếu để mất hoa, tôi phải đền bằng với giá gốc cho chủ. Mỗi đêm làm việc ở đây, họ trả cho tôi 1 triệu đồng. Mọi năm, tôi thường làm đến hết đêm 29 Tết mới nghỉ”, ông Khánh chia sẻ.


Những ngày giáp Tết, nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của người dân cũng khá lớn. Tranh thủ những ngày này, có không ít phụ nữ ở các vùng quê lên TP. Nha Trang nhận dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Trong một căn nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Lộc Thọ), chị Nguyễn Thị Thương (ở xã Diên An, huyện Diên Khánh) đang hối hả dọn dẹp nhà thuê, mồ hôi nhễ nhại. Chị khệ nệ bê đống đồ cũ ra ngoài, sau đó lau mạng nhện trên trần, quét nhà, lau sàn nhà, bàn ghế... Sau 2 giờ, căn nhà 2 tầng đã được dọn dẹp sáng sủa, ngăn nắp. Chị Thương cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 15 tháng Chạp là tôi cùng một số chị em ở quê lên thành phố liên hệ công việc dọp dẹp nhà thuê theo giờ. Cứ nhà này giới thiệu nhà kia nên chúng tôi làm không hết việc, có hôm làm đến tận 22 giờ mới về. Mỗi ngày tôi dọn được 4 căn, trung bình dọn một nhà mất 2 - 3 giờ. Tùy theo mức độ công việc, diện tích mặt sàn của căn nhà để chúng tôi tính tiền công. Hàng ngày, tuy làm việc mệt, nhưng bù lại cũng kiếm được từ 1 đến 1,2 triệu đồng/ngày để mua sắm Tết cho gia đình”.

 

Các thành viên của nhóm vận chuyển hoa cảnh phường Phương Sài  chở hoa cho khách hàng.

Các thành viên của nhóm vận chuyển hoa cảnh phường Phương Sài chở hoa cho khách hàng.


Bên cạnh đó, với nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng chọn ở lại đi làm thêm tại các quán tạp hóa, quán cà phê, nhà hàng. Bạn Lê Hoàng Thắm - sinh viên năm 2 Trường Đại học Khánh Hòa (quê ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) chọn làm thêm ở cửa hàng tạp hóa trên đường Ngô Gia Tự. Làm ở đây, mỗi ngày Thắm được chủ quán trả công 700.000 đồng và lo cơm ăn 2 bữa. Thắm chia sẻ: “Đợt cơn bão số 12, toàn bộ 50 lồng bè nuôi tôm của gia đình em bị thiệt hại hoàn toàn. Giờ đây gia đình em rất khó khăn, vì thế Tết này em xin bố mẹ ở lại đi làm thêm kiếm tiền lo cho việc học tập của mình”.


Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm nào cũng vậy, những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao. Riêng trong tháng 1 và đầu tháng 2-2018, đơn vị tiếp nhận khoảng 2.000 việc làm thời vụ, bán thời gian trong dịp Tết ở các lĩnh vực: du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhân viên kinh doanh, bán hàng, tiếp thị, bảo vệ, giúp việc gia đình... Mức thu nhập và các chế độ phúc lợi mà các đơn vị tuyển dụng dành cho lao động thời vụ khá hấp dẫn, từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.


VĂN GIANG