11:01, 09/01/2018

Bán nước biển ở... phố biển

Mới nghe chuyện bán nước biển, nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ai mua nước biển làm gì? Mà nếu cần thì cầm xô ra biển mà múc, sao phải mua? Ấy vậy mà cái nghề tưởng như đùa ấy đã tồn tại ở TP. Nha Trang cả chục năm nay, là kế sinh nhai của không ít người...

Mới nghe chuyện bán nước biển, nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ai mua nước biển làm gì? Mà nếu cần thì cầm xô ra biển mà múc, sao phải mua? Ấy vậy mà cái nghề tưởng như đùa ấy đã tồn tại ở TP. Nha Trang cả chục năm nay, là kế sinh nhai của không ít người...


Ra đời theo nhà hàng hải sản


Vừa tiếp chuyện với tôi, anh Hà Anh Tuấn - chủ cơ sở Nước biển Ba Làng (21 Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc) vừa liên tục nghe điện thoại của các nhà hàng kinh doanh hải sản gọi lấy nước biển. Chỉ tay vào đồng hồ, anh Tuấn cho biết: “Từ 8 đến 10 giờ là khoảng thời gian bận rộn nhất trong ngày. Thời điểm này, các nhà hàng gọi nước biển liên tục để họ thay nước trong các bể chứa hải sản. Nếu mình không đưa nước đến kịp sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của hải sản. Buổi sáng cũng là lúc ngư dân đánh bắt hải sản nhập hàng vào các nhà hàng nhiều nên cần phải có nước biển tự nhiên để tránh trường hợp cá, tôm... bị sốc môi trường mà chết. Mình chỉ cần chậm trễ là lần sau họ gọi người khác ngay”.

 

Một nhà hàng ở phường Vĩnh Thọ đang mua nước biển.

Một nhà hàng ở phường Vĩnh Thọ đang mua nước biển.


Theo anh Tuấn, nghề bán nước biển xuất hiện từ khi các nhà hàng hải sản phục vụ khách du lịch đua nhau mọc lên ở Nha Trang. Để cho các loại hải sản có thể sống được, chủ nhà hàng phải sử dụng nước biển tự nhiên và thay nước hàng ngày. Cả Nha Trang hiện nay có hơn 10 xe chuyên bán nước biển của các cơ sở: Ông Mười, Biển Xanh và Nước biển Ba Làng. Ngoài ra, cũng có một số người bán nhỏ, lẻ với số lượng ít hơn. Người đầu tiên kinh doanh nước biển là ông Mười (ở Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên). Nghề này lúc đầu tưởng làm chơi, nhưng càng về sau càng đắt khách do nhu cầu của các nhà hàng, quán nhậu hải sản ngày càng tăng, số quán ăn mở ra ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước biển hàng ngày phục vụ cho các nhà hàng khá lớn nên số người cung cấp cũng dần tăng theo.


Ban đầu, nước biển được người dân vận chuyển bằng xe máy và đựng trong can nhựa. Dần dần, số lượng ngày càng lớn nên người bán phải sử dụng ô tô chuyên chở mới phục vụ kịp nhu cầu của khách hàng. Cách đây hơn 10 năm, cả thành phố chỉ có 1 xe của gia đình ông Mười chở nước biển bán, hiện nay đã tăng trên 10 chiếc. Mỗi ngày, các nhà hàng ở Nha Trang sử dụng khoảng hơn 100m3 nước biển. “Riêng cơ sở của tôi, ngày ít mỗi xe cũng bán khoảng 10m3; mùa du lịch cao điểm, mỗi xe phải cung cấp ra thị trường 15m3 nước biển mới đáp ứng đủ nhu cầu. Trước đây, giá nước biển khoảng 80 đến 100.000 đồng/m3, hiện nay, do nhiều người cạnh tranh nên giá giảm còn 60.000 đồng/m3. Hầu hết những nhà hàng hải sản đều ở trung tâm thành phố nên giá cả đều đồng nhất, nếu nhà hàng ở quá xa thì mới tính thêm phí di chuyển”, anh Tuấn chia sẻ.


Tiếc một li, đi tiền triệu


Mới nhìn qua, nhiều người sẽ tưởng nghề kinh doanh nước biển chỉ đơn giản là múc nước dưới biển lên bán, nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Để có nước biển đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà hàng, nước biển phải sạch và có độ mặn phù hợp. Không phải cứ múc nước ở biển mang về là dùng được, mà phải lấy ở chỗ có độ sâu nhất định, nước trong, không lẫn cát, rác rưởi, độ mặn vừa phải… Anh Trần Văn Hưng (Cơ sở Biển Xanh, phường Vĩnh Nguyên) cho biết: “Muốn lấy được nước đủ chất lượng, không được múc nước gần bờ mà phải ra xa mới lấy được nước trong. Lấy được nước rồi, phải đem về lắng lọc cho sạch. Qua kinh nghiệm và sự mày mò tìm hiểu, độ mặn của nước phải đạt từ 30 đến 32 độ (32g muối/lít nước) mới đảm bảo cho hải sản sống”.

 

Anh Tuấn đang lấy nước ở một cơ sở ươm ốc giống để bán lại cho nhà hàng.

Anh Tuấn đang lấy nước ở một cơ sở ươm ốc giống để bán lại cho nhà hàng.


Tuy nhiên, theo anh Hưng, hiện nay chỉ những người bán nước biển nhỏ lẻ mới lấy nước thủ công như vậy. Các cơ sở cung cấp chuyên nghiệp phần lớn đều mua lại nước của các trại kinh doanh tôm, ốc giống. Bởi nước biển ở đây là nước biển được các trại đặt ống cách bờ cả trăm mét để hút nước. Sau đó được lắng lọc sạch sẽ để ươm con giống nên rất đảm bảo cho các loại hải sản. Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, nước biển đục, độ mặn giảm thì chỉ có các cơ sở ươm giống mới có nguồn nước biển dự trữ cung cấp cho các hộ kinh doanh. “1m3 nước biển sạch được các trại ươm giống hải sản bán ra với giá 20.000 đồng. Các hộ kinh doanh nước biển có thể giảm chút ít lợi nhuận nhưng bù lại chất lượng nước được đảm bảo. Nếu tự lấy nước ở dưới biển về bán rất dễ bị nguồn nước bẩn và hậu quả sẽ khó lường. Bán cho khách mà để hải sản chết do nguồn nước là bồi thường vài chục triệu đồng một nhà hàng như chơi. Nghề này tiếc một li, đi tiền triệu ngay”, anh Hưng chia sẻ.


Đình Lâm