01:02, 11/02/2016

Tranh gạo Dấu xưa

Chỉ là những hạt gạo nhỏ xíu, bình dị, với một màu duy nhất là trắng, vậy mà qua đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ, chúng đã biến thành những bức tranh tuyệt đẹp về phong cảnh, con người, quê hương, đất nước...

Chỉ là những hạt gạo nhỏ xíu, bình dị, với một màu duy nhất là trắng, vậy mà qua đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ, chúng đã biến thành những bức tranh tuyệt đẹp về phong cảnh, con người, quê hương, đất nước...

 

Những ngày cận Tết, Điền và Phượng vẫn miệt mài làm tranh gạo
Những ngày cận Tết, Điền và Phượng vẫn miệt mài làm tranh gạo

 

Ngày cuối năm. Trời mưa lất phất. Trong nhà, ngoài phố, đâu đâu cũng rộn ràng không khí đón xuân. Vậy mà, trong căn phòng trọ nhỏ ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang), đôi bạn trẻ Dương Ngọc Điền (sinh năm 1993) và Tô Bích Phượng (sinh năm 1994) vẫn miệt mài đính từng hạt gạo lên bức tranh Đức Phật Di Lặc để kịp giao cho khách.


Quan sát khung cảnh làm việc của Điền và Phượng, tôi không khỏi ái ngại. Căn phòng chỉ rộng chừng 10m2, góc nhỏ là chiếc bếp gas mi ni vừa dùng để nấu ăn vừa dùng để rang gạo - một trong những công đoạn chính của quy trình làm tranh, còn lại là la liệt phương tiện, vật liệu phục vụ cho việc sáng tác tranh, những tác phẩm đã hoàn chỉnh, dang dở và cả những tác phẩm đã thất bại...

 


Chăm chú đính từng hạt gạo lên tác phẩm, Điền chia sẻ, quê anh ở Quảng Ngãi, bên dòng sông Vệ. Từ nhỏ, anh đã mê vẽ, đặc biệt thích tìm hiểu những điều mới lạ. Cách đây hơn 2 năm, tình cờ vào TP. Hồ Chí Minh, thấy người ta bày bán tranh gạo, anh bị cuốn hút và từ đó không rời ra được. Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về tranh gạo và luôn khao khát đến một ngày nào đó sẽ tự tay làm được những bức tranh từ hạt gạo. Tốt nghiệp ngành Xây dựng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Điền không theo nghề đã học, cũng không về quê mà ở lại Nha Trang, thuê phòng trọ làm tranh gạo. Lúc đầu, gia đình anh hết sức phản đối, nhưng trước quyết tâm và niềm đam mê của Điền, cuối cùng mọi người cũng ủng hộ, động viên anh cố gắng theo đuổi ước mơ của mình.


Phượng là cô gái xinh xắn, sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở Ninh Hòa. Từ nhỏ, Phượng đã thích vẽ và vẽ đẹp. Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Nha Trang, Phượng đã có việc làm ở một công ty thủy sản, nhưng vì chung niềm đam mê với Điền, nên ngoài thời gian đi làm, những lúc rảnh rỗi Phượng đều dành hết cho việc làm tranh gạo.

 

Tác phẩm “Dòng sông quê hương”
Tác phẩm “Dòng sông quê hương”

 
Theo chia sẻ của Điền, để làm một bức tranh gạo phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chuẩn bị một miếng ván có kích thước phù hợp (ván phải dày 9 ly để khi phơi nắng không bị cong, vênh), sau đó là khâu vẽ hình (có thể theo mẫu sẵn hoặc tự sáng tác), tiếp theo là đính gạo, phơi nắng, xử lý hóa chất chống mối mọt, xử lý bề mặt để tạo độ bóng, căng cho hạt gạo, cuối cùng là đóng khung. Thời gian làm 1 bức tranh gạo nhỏ (20x20cm) khoảng 1 ngày, nhưng những bức lớn (70x90cm) có khi phải mất khoảng nửa tháng hoặc 20 ngày mới hoàn thành.

 

Tranh con hổ
Tranh con hổ


Một điều độc đáo của quy trình làm tranh gạo, đó là khâu rang gạo. Theo chia sẻ của Điền, hạt gạo chỉ có duy nhất một màu trắng nên muốn gạo có nhiều màu phải rang gạo. “Mỗi lần rang gạo em mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Qua quá trình rang, hạt gạo sẽ chuyển dần từ màu trắng sang màu vàng, rồi màu nâu, màu đen. Đây là 4 màu chủ đạo, từ 4 màu này, với thời gian rang khác nhau sẽ cho mức độ đậm nhạt khác nhau, kết quả là đến nay em đã có 23 màu để làm tranh”, Điền khoe và cho biết, để có được kết quả này, anh đã trải qua không biết bao lần thất bại. Nhiều lần quá lửa, gạo bị cháy, hạt gạo bị nổ, vỡ nát, chưa kể có lúc bức tranh đã hoàn chỉnh nhưng hạt gạo bị đục, không có độ bóng hoặc sự kết dính không đạt yêu cầu, tranh bị cong vênh... “Những lúc như thế em chỉ muốn bỏ cuộc, nhưng rồi nghỉ 1, 2 tuần em lại trở lại với niềm đam mê của mình, không dứt ra được”, Điền tâm sự.

 

Trong số những bức tranh của Điền và Phượng, tôi không rời mắt khi ngắm bức Dòng sông quê hương. Cũng là dòng sông, con đò, những ngôi nhà thấp thoáng bên vườn chuối, rặng cau, nhưng trên nền gạo trắng ngà, những mảng màu nâu, đen và vàng đã tạo cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc, khó tả khi nhớ về quê hương của mình. Còn với bức Tháp Trầm Hương, những người sống ở Nha Trang và ngày ngày đi qua đây chắc chắn sẽ cảm thấy bất ngờ khi xem bức tranh này. Thoạt trông, Tháp Trầm Hương có vẻ đơn giản đến mức đơn điệu, nhưng càng ngắm, càng xem, càng thấy đằng sau cái vẻ đơn giản, đơn điệu ấy là cả một chiều sâu văn hóa của một vùng đất, con người được vun đắp từ hạt gạo ngàn năm. Không phải ngẫu nhiên mà Điền và Phượng đặt tên cho cơ sở làm tranh của mình là Dấu xưa. Theo chia sẻ của hai bạn, dấu xưa nghĩa là trở về ký ức, là xem tranh của ngày hôm nay để nhớ về ngày hôm qua, nhớ về quá khứ, về hạt gạo, loại hạt đã gắn bó với người Việt bao đời và mãi mãi...

 

Tĩnh vật hoa
Tĩnh vật hoa


Làm tranh gạo góp phần rèn tính người. Phượng tâm sự, lần đầu tiên đến với tranh gạo, cô tập làm bức tranh chữ Nhẫn và... thất bại. “Em phải làm 3, 4 lần mới thành công, từ đó em cũng... nhẫn luôn”, Phượng cười và cho biết, quá trình làm tranh đã giúp cô rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là sự cẩn thận. Cũng như Điền, những tính cách này ngày một tốt hơn trong cô và đây cũng là điều mà cha mẹ và bản thân cô rất hài lòng.


Nếu như trước đây, Điền và Phượng chỉ có thể bán tranh trên mạng, ký gửi ở một vài điểm du lịch hoặc thông qua người quen, bạn bè, thì mùa xuân này, hai bạn đã có chỗ để trưng bày tranh của mình, đó là một gian hàng nhỏ thuê trên đường 23-10 (TP. Nha Trang). Tại đây, khách hàng có thể vừa xem tranh, vừa uống cà phê, đồng thời có thể tận mắt chiêm ngưỡng quy trình làm tranh của hai bạn. Hiện nay, giá tranh gạo của Điền và Phượng khoảng từ 250.000 đồng đến vài triệu đồng/bức.


Vạn sự khởi đầu nan. Hiện nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê và quyết tâm của mình, Điền và Phượng vẫn mong một ngày không xa sẽ có nhiều người biết đến tranh gạo và tìm đến hai bạn để cùng chia sẻ những cái hay, nét đẹp của loại tranh này.


Ngọc Khánh