02:02, 10/02/2013

Hoa biển

Biển, bao đời nay, luôn chất chứa những điều bí ẩn; kể cả đối với những lão ngư đã gắn suốt đời mình trên sóng nước. Giông gió chỉ thổi lên những cơn sóng bạc đầu trên mặt nước. Còn dưới tầng sâu, bao nhiêu lớp trầm tích vẫn cứ an nhiên, như cảm xúc dồn nén của một người từng trải.

Biển, bao đời nay, luôn chất chứa những điều bí ẩn; kể cả đối với những lão ngư đã gắn suốt đời mình trên sóng nước. Giông gió chỉ thổi lên những cơn sóng bạc đầu trên mặt nước. Còn dưới tầng sâu, bao nhiêu lớp trầm tích vẫn cứ an nhiên, như cảm xúc dồn nén của một người từng trải. Tôi thích lối ví von biển như một người con gái. Lúc dịu dàng. Khi giận dỗi, hờn ghen. Có vậy, mới dệt nên bao nhiêu cung bậc huyền diệu của tình yêu. Còn những con người hằng sống với biển, đã yêu thương thì hết mực, mà dũng mãnh cũng thật phi thường.

Trên những chuyến tàu ra quần đảo Trường Sa, khi mặt trời khuất dần xuống đường chân trời mịt mờ khói sóng, tôi thường tìm một góc khuất nào đó trên boong cao để ngắm biển đêm. Đêm càng chìm sâu, biển càng trở nên huyền hoặc. Bóng tối như quánh lại, trời nước một màu. Chỉ thấy phía xa, có những đốm sáng đèn tàu đánh cá như những vì sao, cứ lặng lẽ trôi dài theo sóng. Rồi khi đặt chân lên đảo là những đêm không ngủ. Chính ở những nơi đó, tôi đã được nghe những câu chuyện kể khiến lòng cứ bâng khuâng hoài.

Ấy là chuyện một đôi trai gái ở Hà Nội. Họ yêu nhau, và hò hẹn. Nhận lệnh ra công tác ngoài quần đảo Trường Sa, người con trai lên đường, sau chén rượu bồ đào tiễn biệt. Chao ôi, trong lúc chia phôi, cái nỗi niềm “Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ…” của bà huyện Thanh Quan ngày nào sao nghe mà thấm thía đến chạnh lòng.

Người lính ra tới Trường Sa, nghe đã rất nhiều, giờ lần đầu tiên được sống giữa biển trời biên đảo xanh ngắt một màu, cảm xúc cứ nao nao. Mưa nắng thao trường khiến anh thêm rắn rỏi. Đợt huấn luyện đầu tiên, anh được xếp loại giỏi. Nhưng, ngày, rồi lại đêm, hình ảnh người con gái nơi quê nhà cứ mãi vấn vít trong anh. Nhớ! Nhớ quá! Anh đếm từng ngày một. Đã giáp một tuần ra đảo. Rồi giáp một tháng cách xa. Thời gian, và không gian sao cứ rộng dài, miên man; thăm thẳm và diệu vợi tới không cùng.

Một ngày nọ, đồng đội thấy anh lần hồi ra biển, tìm nhặt những con ốc nhỏ li ti đem về. Không ai biết để làm gì.

Đêm Trường Sa tĩnh mịch và sâu lắng đến lạ lùng. Trời dường như sắp bình minh. Người lính vừa tan ca trực. Anh lặng lẽ trở về giường ngủ, không bật điện, mà thắp lên một ngọn nến. Ánh nến lung linh trong một vùng không gian dặt dìu lời ru của biển cả. Anh ngồi tẩn mẩn kết những vỏ ốc bé li ti kia thành những sợi dây dài, để làm một chiếc mành ốc nhỏ. Đêm nay, anh không ngủ. Mà, có lẽ, không chỉ có riêng anh. Anh biết, ở phía đất liền kia, cũng nhiều người không ngủ, trong đó có một người. Nhiều lần, lúc quá nửa đêm, anh còn nghe tiếng người yêu thủ thỉ đọc nhật ký. Nghĩ đến điều ấy, lòng anh ấm hẳn, và nghe bồi hồi khôn tả. Cứ vậy, những sợi dây mành ốc, theo dòng suy tưởng, và theo năm tháng, cứ dài dần ra.

Thời gian cứ lần lữa trôi. Vậy là đã ba năm. Tấm mành ốc giờ đã sắp hoàn thành, được treo ngay ngắn trong doanh trại người lính. Đợt này có tàu ra, anh gửi về đất liền một chiếc hộp tí xíu.

Ở quê nhà, nơi ký túc xá trường đại học, người con gái cứ mãi nâng niu những cánh thư có bìa đã nhạt màu, được gửi về từ đảo Trường Sa. Chiều nay, bất chợt có người đưa thư tìm tới. Ôi, quà của anh gửi về! Quà Trường Sa đây mà! Món quà sinh nhật làm bằng vỏ ốc của người lính đảo gửi tặng người yêu đã về đến đúng địa chỉ cần đến. Nhưng bị chậm mất mấy tuần, do lịch công tác của tàu thay đổi. Không hề gì. Dường như, ở đây, người ta sống vượt lên trên những điều nhỏ nhặt của thường ngày, mà sẵn lòng đón lấy sự sẻ chia. Người con gái không giấu nổi niềm vui. Trong cô, bao nhiêu kỷ niệm về một tình yêu đằm thắm cùng người lính đảo tự bao giờ bỗng chốc ùa về. Hoa hồng bằng vỏ ốc. Cô cầm nó, mân mê nó như thể cố trấn tĩnh mà coi thử nó có hiện hữu thật không. Thật. Thật đây mà. Thật như tình yêu của một con người đang ở tận phía đảo xa. Căn phòng sinh viên nhỏ xíu òa vỡ niềm vui. Một cô bạn gái bảo: “Tớ ghen với cậu rồi đấy!”.

Buổi sáng, cô gái lên giảng đường mang theo cả niềm vui hãy còn đọng lại trong mắt, trên môi. Những cánh hoa làm bằng vỏ ốc, một tình yêu từ biên đảo đã tiếp thêm cho cô thật nhiều sức mạnh, trong những ngày xa vắng. Trong lúc ấy, ngoài biên đảo, huấn luyện xong, người lính lại lần hồi ra biển, lại đi tìm những vỏ ốc nhỏ li ti. Ngày ngày anh vẫn chăm chút bức mành ốc, như thể đó là người yêu của mình. Đồng đội, lúc đầu thấy lạ, dần dà rồi cũng cùng chia sẻ niềm vui ấy của anh.

Hoàn thành nhiệm vụ, người lính trở về. Trong ba lô anh có bức mành ốc trĩu nặng bao nhiêu kỷ niệm những tháng ngày sống nơi biên đảo. Họ tổ chức đám cưới. Quan viên hai họ và bè bạn sững sờ vì quá xúc động, nhiều người rút khăn tay lau nước mắt: Món quà anh tặng người yêu trong ngày cưới chính là bức mành ốc độc đáo tới không ngờ. Không ngọc ngà, châu báu; không gấm vóc, lụa nhung, nhưng vợ anh cứ nâng niu mãi nó, không rời. Phải chăng, trong đó có mang chút hồn anh, có mang chút tình anh? Bức mành ốc tưởng chừng như vô tri kia đã là sợi dây vô hình nhưng vô cùng khăng khít kết gắn tình anh - một người lính nơi biên đảo với một người con gái ở quê nhà. Tình yêu ấy như đốm lửa hồng nung nóng tim anh, để anh vững vàng hơn giữa biển trời giông gió.

Thời gian thoi đưa. Bức mành ốc của người lính đảo tặng vợ trong ngày cưới ngày nào giờ đã có tuổi… hai mươi. Nó được sắp đặt ở một vị trí thật trang trọng trong ngôi nhà ấm cúng. Kỷ vật thiêng liêng ấy được cả vợ lẫn chồng chăm chút hàng ngày, như vun bón thêm dưỡng chất cho một tình yêu vô bờ bến; để nó mãi gắn bó cùng anh chị, đi theo những bước đường đời còn lại mà làm chứng nhân cho tình yêu trường tồn của người lính đảo. Hai mươi năm, giữa những bộn bề, lo toan cho cuộc sống thường ngày, bức mành ốc đã vừa là kỷ vật; vừa như một lời nhắc nhở, động viên anh chị hãy cố gắng sống xứng đáng với những ngày tháng thật đẹp đã qua. Đã trên hai mươi năm, những chiếc vỏ ốc không hề cũ đi, mà dường như, chúng ngày càng long lanh hơn, đẹp hơn.

Cái công việc ngộ nghĩnh ngày nào của người lính ấy giờ được anh em lính trẻ làm theo. Mỗi người một suy tưởng. Mỗi người một cảm nhận. Đã có rất nhiều người lính chọn cách tự làm lấy những món quà đơn sơ như vậy để gửi gắm tình cảm của mình cho người yêu thương nhất. Những chiếc vỏ ốc dường như không còn là vỏ ốc nữa. Mà đã hóa thân thành lời đồng vọng của tình yêu, nối từ biển cả về đất liền, và từ đất liền ra biển cả. Rất mộc mạc. Mà đậm hồn biển cả. Tất cả góp gom tạo nên một nét đẹp bình dị mà đằm thắm. Và, nét đẹp ấy đã được các thế hệ những người lính đảo Trường Sa gìn giữ, nâng niu.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, ngôi nhà nhỏ có bức mành ốc ấy lại rộn ràng bước chân những người lính Trường Sa năm xưa về họp mặt. Chuyện xưa, chuyện nay tiếp nối thâu đêm, lúc sôi nổi, khi trầm lắng. Những đứa trẻ không sinh ra ở đảo Trường Sa, nhưng, dường như, hơn ai hết, chúng cảm nhận được thật nhiều điều về cuộc sống nơi biên đảo; về tình yêu của bố mẹ qua những câu chuyện kể thật giản dị mà cũng thật xúc động của các chú, các bác. Bố mẹ chúng đã hướng về nhau; đã sống vì nhau, trong những chuỗi ngày cách biệt, ở những thời khắc khó khăn nhất.

Dường như, cảm kích trước một câu chuyện tình cảm động, tự sâu thẳm của lòng mình, biển đã riêng dành tặng họ một món quà, như hiện thân của kết nối cho một tình yêu mãi bền chặt. Món quà của biển thật bình dị. Như tình yêu của họ cũng thật chân chất.

Không cầu kỳ, không có nhiều màu sắc.
Chỉ có tấm lòng đến với tấm lòng.

                                                                                                  Nha Trang, trước thềm Xuân Quý Tỵ

Tùy bút của PHONG NGUYÊN