22:57, 07/06/2023

Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh: Hiệu quả từ chuyển đổi số

Thời gian qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã ứng dụng nhiều phần mềm trong công tác khám, chữa bệnh. Qua đó, giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, góp phần nâng cao công tác quản lý và chất lượng điều trị.

Giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân 

Sau khi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Diên Khánh (thuộc TTYT huyện Diên Khánh) áp dụng việc lấy số khám bệnh tự động, đăng ký khám bệnh online qua app Ourhealth, đồng thời đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, tình trạng người bệnh xếp hàng chờ đợi ở khu vực chờ, đóng và trả viện phí tại Khoa Khám của bệnh viện giảm hẳn. Ông Nguyễn Minh Long (thị trấn Diên Khánh) cho biết: “Tôi bị mắc bệnh huyết áp nên định kỳ đến bệnh viện tái khám và lấy thuốc. Trước kia, khi tới khám, tôi phải ngồi chờ rất lâu. Bây giờ tôi đăng ký và lấy số online, có hẹn giờ tới khám, chỉ cần đưa căn cước công dân, nhân viên y tế tích hợp và làm hết mọi thủ tục. Thời gian đăng ký, làm thủ tục được rút ngắn một nửa so với trước”. Chị Nguyễn Hồng Nhung (xã Diên Lạc, Diên Khánh) cho biết, từ khi bệnh viện áp dụng thanh toán qua QR code, chị không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, vừa nhanh mà không phải chờ đợi xếp hàng thanh toán như trước.

Người khám bệnh thanh toán viện phí qua QR code tại Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh
Người khám bệnh thanh toán viện phí qua QR code tại Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh

Bình quân mỗi ngày, tại Khoa Khám của BVĐK Diên Khánh có từ 400 đến 500 bệnh nhân tới khám. Từ khi khoa đưa các ứng dụng nói trên vào hoạt động, tỷ lệ người dân đặt lịch khám qua phầm mềm Ourhealth đạt hơn 20%, nhờ đó tình trạng tập trung đông người vào đầu giờ buổi sáng, buổi chiều giảm hẳn. Chị Lê Thị Thúy - Điều dưỡng trưởng Khoa Khám, BVĐK Diên Khánh cho biết: “Phần lớn người tới khám bệnh tại khoa đều lớn tuổi, ít biết sử dụng điện thoại thông minh, vẫn còn thói quen trả tiền mặt nên tỷ lệ người ứng dụng các phần mềm nói trên chưa cao. Ngoài ra, căn cước công dân của một số người chưa được tích hợp bảo hiểm y tế nên việc sử dụng căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám tại khoa mới đạt 50%”.

Ứng dụng nhiều phần mềm trong khám, chữa bệnh

Năm 2014, TTYT huyện xây dựng kế hoạch đầu tư dần về cơ sở vật chất, trang bị máy tính cho các khoa, phòng tại BVĐK Diên Khánh, các trạm y tế để ứng dụng các phần mềm trong khám, chữa bệnh, quản lý tài chính và hồ sơ bệnh án. Cùng với các phần mềm của Bộ Y tế, năm 2017, trung tâm ký kết với Viettel Khánh Hòa xây dựng phần mềm quản lý điều trị Viettel HIS hỗ trợ cho công tác khám, chữa bệnh và thống kê báo cáo; nâng cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân phù hợp với tình hình tại đơn vị. Song song đó, trung tâm cài đặt hệ thống PACS tại bệnh viện, giúp bác sĩ xem trực tiếp hình ảnh chụp X-Quang trên máy tính, không cần chờ phim; sử dụng phần mềm chẩn đoán hình ảnh (AI) để hỗ trợ bác sĩ trong việc đọc phim, chẩn đoán bệnh, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị đạt hiệu quả nhất; ứng dụng phần mềm Telehealth trong hội chẩn, tư vấn, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên từ xa. Trung tâm cũng tiến hành triển khai tạo lập hồ sơ sức khỏe toàn dân tại 18 trạm y tế… 

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh hướng dẫn người dân tải app Ourhealth
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh hướng dẫn người dân tải app Ourhealth

Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc TTYT huyện Diên Khánh cho biết, với sự quan tâm của Sở Y tế, UBND huyện Diên khánh, lĩnh vực công nghệ thông tin ở trung tâm đã có những bước phát triển. Hiện tại, trung tâm đã đầu tư được 192 máy tính và 2 máy chủ để tin học hóa toàn hệ thống y tế của địa phương, phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Khó khăn hiện nay là Bộ Y tế chưa có phần mềm dùng chung, mỗi hoạt động có phần mềm riêng dẫn tới chưa liên thông được dữ liệu, gây tốn kém kinh phí cho người dân khi phải khám, chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế. Kinh phí đầu tư trong chuyển đổi số rất lớn nhưng hiện tại giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn chưa tính đúng, tính đủ, trong đó chưa tính phí công nghệ thông tin nên hoạt động chuyển đổi số của trung tâm nói riêng, ngành Y tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.   

Thời gian tới, TTYT huyện sẽ tiếp tục ứng dụng chữ ký số, phần mềm quản lý điều trị Viettel HIS; hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đạt hơn 90%. Đồng thời, tiếp tục đầu tư trang thiết bị trong chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa; đẩy mạnh thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt đạt hơn 80%...

Đến nay, tỷ lệ dân số của huyện có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt 1,24%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe bằng các phần mềm đạt 79,4%; trong đó có 5 xã, thị trấn đạt từ 84% đến gần 90%. Riêng năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện đạt 80 lượt (0,2%), với số tiền thu được hơn 31 triệu đồng, đạt hơn 70% (tổng giá trị giao dịch thanh toán viện phí dịch vụ y tế và các giao dịch khác tại Khoa Khám của bệnh viện đạt hơn 44 triệu đồng).

C.ĐAN