09:06, 09/06/2022

Bảo vệ môi trường biển

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng tàu cào sò hoạt động suốt ngày đêm trên đầm Nha Phu, theo Báo Khánh Hòa phản ánh. Hoạt động này không chỉ gây hại cho môi trường biển mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của nghề thả lưới khai thác thủy sản tại đây. Điều đáng nói là các tàu cào sò ngang nhiên quần thảo trong đầm, vậy nhưng lực lượng chức năng hầu như chưa có động thái xử lý triệt để.

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng tàu cào sò hoạt động suốt ngày đêm trên đầm Nha Phu, theo Báo Khánh Hòa phản ánh. Hoạt động này không chỉ gây hại cho môi trường biển mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của nghề thả lưới khai thác thủy sản tại đây. Điều đáng nói là các tàu cào sò ngang nhiên quần thảo trong đầm, vậy nhưng lực lượng chức năng hầu như chưa có động thái xử lý triệt để.

Nếu để tình trạng này kéo dài thì điều gì sẽ xảy ra khi nguồn lợi thủy sản trên đầm Nha Phu hiện đã cạn kiệt, mà nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt. Giờ thêm nạn cào sò hoạt động bất kể ngày đêm như thế này, liệu Nha Phu - một trong những vùng đầm lớn của Khánh Hòa, nơi hội đủ đặc điểm của một vùng sinh thái độc đáo, đa dạng về hệ động thực vật biển có còn giữ được những gì thiên nhiên ưu đãi?


Cũng mới đây, trên mạng xã hội có đăng tải bài viết của một du khách phản ánh tình trạng Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang bị tàn phá. Góc nhìn của du khách có thể khắt khe nhưng cũng là lời cảnh báo cần thiết để cơ quan chức năng siết lại các hoạt động bảo vệ, khi mà các tàu cá hoạt động trái phép xâm nhập bất cứ lúc nào, vì lợi ích trước mắt. Đã có nhiều trường hợp bị Ban Quản lý vịnh Nha Trang phát hiện, xử phạt vì hành vi đánh bắt hải sản trái phép trong khu vực này. Nhưng rõ ràng vẫn có kẽ hở nên không thể kiểm soát hết tình trạng trên, dẫn đến Hòn Mun cũng trở thành tầm ngắm của những kẻ tận diệt nguồn lợi thủy sản không thương tiếc!


Năm 2019, Tổ chức Nghiên cứu san hô Reef Ecologic (Úc) sau khi nghiên cứu và khảo sát Khu Bảo tồn biển Hòn Mun đã cho rằng Hòn Mun đang đối mặt với sự tác động của con người và những sinh vật có hại. Họ cho rằng, san hô nơi đây đang bị tác động rất lớn từ con người, như xả rác, giẫm đạp và khai thác hải sản bừa bãi. “Để có được một rạn san hô đẹp phải mất đến 30 triệu năm nhưng để phá nó chỉ mất nửa năm" - đại diện tổ chức này khuyến cáo. Như vậy, ngoài việc ngăn chặn việc khai thác, đánh bắt trái phép, chúng ta còn phải có trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn và duy trì san hô ở trạng thái tốt cho Hòn Mun. Cũng cần nói thêm rằng, rạn san hô Hòn Mun có tầm quan trọng quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam với 1.500 loài sinh vật trong số 2.000 loài san hô và sinh vật biển trên toàn thế giới. Hiện nay, các hoạt động du lịch và các hoạt động bơi lặn tham quan khác đóng vai trò quan trọng nhằm tạo nguồn thu phục vụ công tác bảo tồn đều có tác động đến rạn san hô. Nhưng nếu chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn thì làm sao phát huy được giá trị kinh tế và triển vọng phát triển du lịch bền vững?


Ngày Đại dương Thế giới năm nay (8-6) có chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cần phải có những giải pháp tích cực hơn để bảo vệ môi trường biển. Bởi nếu chúng ta không quyết tâm thì tương lai, của để dành cho đời con cháu sẽ còn lại những gì?


HẢI NGUYỆT