10:08, 02/08/2018

Không lẽ vứt chiếc áo vì một vết bẩn?

Những ngày này, dư luận sôi sục về việc gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La. Nhiều trang mạng quá đà yêu cầu người đứng đầu ngành Giáo dục phải đứng ra xin lỗi nhân dân và từ chức. Chưa hết, nhiều người còn quá khích đòi dẹp kỳ thi này để tìm một hình thức thi khác cho công bằng, minh bạch và an toàn hơn.

Những ngày này, dư luận sôi sục về việc gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La. Nhiều trang mạng quá đà yêu cầu người đứng đầu ngành Giáo dục phải đứng ra xin lỗi nhân dân và từ chức. Chưa hết, nhiều người còn quá khích đòi dẹp kỳ thi này để tìm một hình thức thi khác cho công bằng, minh bạch và an toàn hơn.


Thôi thì mỗi người có ý kiến riêng của mình, chả dám lạm bàn. Chỉ xin thủng thẳng nhớ lại chặng dài thi cử những năm qua...


Thời bao cấp, số trường đại học cả nước đếm trên đầu ngón tay. Cách thi tuyển đại học gần giống như hiện tại. Học sinh sau khi thi tốt nghiệp, đăng ký thi đại học với một trường duy nhất, nguyện vọng hai nếu trượt đại học thì học trung cấp. Các hội đồng thi cũng giao về địa phương tổ chức theo các huyện, cụm huyện. Lứa học sinh thời đó khi nhớ về cách thi tuyển đại học vẫn nói với nhau: Không có thời bao cấp như thế, mình thất học là cái chắc! Bởi nhà nào hồi đó cũng vào hợp tác xã, ngày công chỉ khoảng 0,3kg thóc, nghèo bằng nhau... kéo nhau lặn lội về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thi như sau này, tiền đâu mà đi? Nhưng có một điều chắc chắn, hồi đó những người đậu đại học là những học sinh học có tiếng của trường!


Rồi ngành Giáo dục cải tiến, việc tuyển sinh đại học giao cho các trường tự chủ. Mỗi trường một cụm thi riêng. Vậy là học sinh lượng sức mình, ghi tên dự thi đợt 1 vào trường A, đợt 2 vào trường B. Mỗi mùa tuyển sinh, cả nước làm một cuộc di dân vĩ đại. Hàng trăm ngàn thí sinh được gia đình đi kèm lốc thốc kéo nhau về các thành phố lớn dự thi. Lo đăng ký vé xe, tàu, lo tìm chỗ trọ, lo tìm cách đi sao cho khỏi kẹt xe lỡ thi, cơm hàng cháo chợ đợt thi 1 rồi lại tiếp tục đợt 2... Đoàn thanh niên phát động hẳn phong trào “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ những gia đình thí sinh lần đầu lơ ngơ về nơi đô thị... Nói đúng từ là sự hành xác vì thi cử. Chỉ có tấm lòng hy sinh vô bờ bến của các bậc cha mẹ mới chịu đựng được những khốn khổ như thế!


Năm 2015, ngành Giáo dục lần đầu đổi mới thi cử, áp dụng kỳ thi “hai trong một”. Thí sính chỉ thi một lần vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa làm điểm dự thi tuyển đại học. Cả triệu tiếng thở phào nhẹ nhõm trên cả nước! Dù những kỳ thi đầu còn chệch choạc nọ kia, nhưng rõ ràng đây là cách đi đúng hướng. Không còn những cuộc dắt díu nhau 2 lần về thành phố, xã hội bớt đi tốn kém hàng trăm tỷ đồng thấy được và những tốn kém vô hình không thể nào cân đong nổi.


Những sai phạm trong thi cử của Hà Giang, Sơn La là do con người cố ý. Hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách vẫn để địa phương tổ chức thi, nhưng không được chấm thi. Việc chấm thi giao cho các trường đại học hoặc tổ chức chấm chéo, tỉnh A chấm cho tỉnh B... Tất nhiên giải pháp nào cũng chỉ là tương đối, vì khi con người đã cố tình làm sai thì giải pháp kỹ thuật nào cũng là do... con người đặt ra, cũng có kẽ hở có thể lợi dụng!


Sai phạm trong thi cử của 2 tỉnh trên như vết bẩn trên chiếc áo mới. Có đáng vứt bỏ nguyên chiếc áo mới chỉ vì một vết bẩn?


Thủy Ngân