Ngày 7-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW (sau đây gọi tắt là Quy định 98) của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Ngày 7-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW (sau đây gọi tắt là Quy định 98) của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Đây được coi là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Bộ Chính trị ban hành Quy định 98 nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược. Chúng ta biết rằng, luân chuyển giúp cán bộ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn; đồng thời nơi cán bộ luân chuyển đến cũng được tăng thêm nguồn lực cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bộ Chính trị, qua Quy định 98, yêu cầu chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; cán bộ luân chuyển phải là người trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển. Riêng quy định không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút đang được các tầng lớp nhân dân quan tâm ủng hộ. Bởi trước nay thực tế vẫn xảy ra hiện tượng này.
Nhằm bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong luân chuyển cán bộ, Quy định 98 nêu rõ: kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Khắc phục những điểm yếu trước nay trong luân chuyển cán bộ, Quy định 98 chú trọng quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển; ngay cả việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.
Ở Khánh Hòa, thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã đáp ứng được một số yêu cầu, như cán bộ được rèn luyện toàn diện; bộ máy tổ chức ít xáo trộn; việc thực hiện có lộ trình, theo từng bước, vững chắc, không làm đại trà.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt của đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này chưa sâu; vẫn còn tình trạng bị động, sau khi luân chuyển thiếu quan tâm các bước tiếp theo. Một số đơn vị cơ sở và cấp huyện không muốn bố trí người ngoài địa phương giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, cho nên không mặn mà khi nhận cán bộ luân chuyển về. Một số cán bộ không phải là người địa phương chậm tiếp cận công việc; chưa thật sự gắn bó với địa phương, đơn vị mới; chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác.
Triển khai thực hiện tốt Quy định 98 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ; từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
PHONG NGUYÊN