10:12, 26/12/2021

Hội nghị về quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh

Ngày 25-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh...

Ngày 25-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ” (gọi tắt là Đề án). Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

 

Trồng cây gây rừng ta
Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương tổ chức trồng cây gây rừng. Ảnh: Mã Phương
 
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm như: Hiện trạng công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp trả về địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp; tình trạng chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật; tình hình thiếu đất hoặc không có đất sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do; định hướng giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất có nguồn gốc nông, lâm trường; huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả việc quản lý đất đai...
 
Tại Khánh Hòa, toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Đề án. Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương đang quản lý, sử dụng gần 39,1 nghìn héc ta đất rừng, đã bàn giao cho địa phương gần 843,6ha. Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đang quản lý, sử dụng gần 41,2 nghìn héc ta đất rừng, đã bàn giao cho địa phương 200ha.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các địa phương rà soát những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Đề án để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn; khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách quản lý loại đất này tại địa phương; xây dựng các phương án bàn giao đất rừng, đảm bảo quỹ đất canh tác cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất rừng...
 
THÁI THỊNH