10:09, 28/09/2020

Diễn đàn giao thông đường bộ, thực trạng và giải pháp

Sáng 28-9, tại TP. Nha Trang, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội khai mạc diễn đàn "Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp".

Sáng 28-9, tại TP. Nha Trang, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội khai mạc diễn đàn “Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp”. Chủ trì diễn đàn có Trung tướng Trần Ngọc Khánh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Phạm Đình Toản - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Về phía tỉnh Khánh Hòa có các ông: Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.


Luật Giao thông đường bộ không còn phù hợp


Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đình Toản nhấn mạnh, giao thông đường bộ ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của giao thông đường bộ, đã xuất hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành; kết cấu giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và đồng bộ chưa cao. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho một số loại hình vận tải chưa có, gây khó khăn cho việc quản lý… Vì vậy, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho phù hợp là đòi hỏi, yêu cầu khách quan. Trong 2 ngày, diễn đàn sẽ làm sáng tỏ 3 vấn đề quan trọng: Tổng quan các chính sách về giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay; quy hoạch và hạ tầng giao thông đường bộ; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giao thông đường bộ.

 

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.


Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, trong 15 năm qua, mạng lưới đường bộ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, tăng khả năng kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc. Vận tải đường bộ trở thành phương thức vận tải chủ đạo, với khối lượng hàng hóa và hành khách chiếm tỷ trọng lần lượt là 93% và 78% tổng khối lượng vận tải. Tuy nhiên, phương thức này cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định như: Mật độ đường thấp, tắc nghẽn giao thông trên các tuyến vành đai, cửa ngõ; thiếu ngân sách bảo trì thường xuyên; phương tiện cá nhân phát triển nhanh, khó kiểm soát; hệ thống logistics kém hiệu quả (chiếm 20% GDP) do các dịch vụ còn manh mún, đơn giản; xe quá tải khó kiểm soát triệt để; tai nạn thường xuyên xảy ra… “Khung pháp lý cho lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sau 12 năm đưa vào thực thi đã bộc lộ những hạn chế, cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Không chỉ vậy, khung pháp lý hiện nay cho phép nhiều hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ với sự tham gia của khu vực tư nhân nhưng vẫn còn nhiều hình thức hiệu quả khác chưa được đưa vào khung pháp lý, như Hợp đồng dựa trên chất lượng thực hiện”, đại diện Ngân hàng Thế giới phân tích.

 

Đoàn chủ tịch điều hành diễn đàn.
Đoàn chủ tịch điều hành diễn đàn.


Cần có luật mới

 

Trung tướng Trần Ngọc Khánh: Diễn đàn là dịp để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các hiệp hội về vận tải trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ. Thông qua diễn đàn để cung cấp thêm thông tin tham khảo, cơ sở lý luận và thực tiễn cho các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra xem xét, thảo luận dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các văn bản pháp lý liên quan tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, kết quả diễn đàn sẽ được Văn phòng Quốc hội tổng hợp, cung cấp cho đại biểu Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, qua 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những thành quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước. Bên cạnh các kết quả tích cực, quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét, sửa đổi một cách toàn diện để phù hợp với thực tiễn.


Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, đến nay, thế giới đã bước vào thời kỳ cách mạng 4.0, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ tác động vào vận tải đường bộ. Những khái niệm như: giao thông thông minh, vận tải thông minh, kinh tế chia sẻ; các ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ đã làm thay đổi nhiều loại hình kinh doanh vận tải đường bộ. Từ đó, đòi hỏi khách quan phải có Luật Giao thông đường bộ mới. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi theo hướng tách làm 2 luật mới: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hai luật này giao cho 2 bộ là: Giao thông vận tải và Công an chủ trì soạn thảo. Vì vậy, 2 bộ cần phải làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến điều luật, tránh bị trùng chéo, gây phiền hà cho người dân, đặc biệt là cân nhắc việc đào tạo sát hạch giấy phép lái xe sẽ được giao cho bộ nào quản lý, có đổi từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an hay không”, ông Thanh nói.


Thành Nam

 

 


 

Với 8 chương 93 điều, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ bao gồm các quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, dự thảo luật này có quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới.

______________________________________________



Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ Giao thông vận tải biên soạn gồm 6 chương, 102 điều. Về phạm vi điều chỉnh, luật có sự thay đổi gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.