10:09, 25/09/2020

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Khánh Hòa

Ngày 25-9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đi kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); việc tái đàn, tăng đàn heo trên địa bàn tỉnh. 

. Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp chuyển biến tốt


Ngày 25-9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đi kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); việc tái đàn, tăng đàn heo trên địa bàn tỉnh. Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT làm việc với đoàn.

 

Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc tái đàn heo tại một cơ sở chăn nuôi tại huyện Cam Lâm.

Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc tái đàn heo tại một cơ sở chăn nuôi tại huyện Cam Lâm.


Tập trung chống khai thác IUU


Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác chống khai thác IUU tại cảng Hòn Rớ và doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản nhận định: “So với kết quả đợt kiểm tra cuối năm 2019, đến nay, công tác chống khai thác IUU của Khánh Hòa đã tiến bộ rõ nét, nếu năm 2019 đạt được 7 điểm thì hiện nay đạt 9 điểm. So với 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước, Khánh Hòa là 1 trong 5 tỉnh thực hiện tốt nhất công tác chống khai thác IUU”.


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần tập trung giải quyết. Cụ thể, về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện vẫn còn 141 tàu chưa lắp đặt thiết bị này. Đối với tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, từ tháng 10-2018 đến nay không có trường hợp nào, nhưng vừa qua có trường hợp 3 tàu cá của tỉnh hoạt động trong vùng biển Việt Nam, bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ trái phép, dẫn ra khỏi vùng biển Việt Nam, gây tâm lý hoang mang đối với ngư dân. Ngoài ra, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, do hồ sơ, thông tin chưa được thực hiện đồng bộ, có nhiều sai lệch.


Để nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng của Việt Nam thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực ranh giới biển của Việt Nam để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi khai thác trên biển; tham mưu Chính phủ sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia giáp ranh nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, từ đó ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 48, tăng số chuyến biển được hỗ trợ cho ngư dân. Bộ cần hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả Đề án khai thác viễn dương; tăng cường hợp tác khai thác với các quốc gia khác để đưa tàu cá của tỉnh ra nước ngoài khai thác. Bên cạnh đó, bộ cần sớm sửa đổi và hướng dẫn các địa phương triển khai thuận lợi cho công tác xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để phù hợp với yêu cầu của EC… Đối với 3 tàu cá của Khánh Hòa bị phía Indonesia bắt giữ, tỉnh kiến nghị bộ có ý kiến với Bộ Ngoại giao để tiến hành công tác bảo hộ công dân; đề nghị phía Indonesia trao trả 3 tàu cá và ngư dân Khánh Hòa về Việt Nam.


Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, không chỉ thị trường châu Âu mà thị trường Mỹ cũng bắt đầu yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, chống khai thác IUU đối với thủy sản nhập khẩu vào thị trường này; tiến tới là các thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, địa phương cần xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Trong thời gian tới, địa phương cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót như: Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát nhật ký khai thác của ngư dân; lưu ý hồ sơ kiểm soát truy xuất nguồn gốc thủy sản phải đảm bảo lô-gích từ khai thác đến cập cảng vào nhà máy đến khi xuất khẩu. Tỉnh cũng cần tiếp tục làm tốt việc không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời rà soát, hoàn thiện việc cấp giấy phép khai thác, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá...


Nỗ lực tái đàn heo


Đi kiểm tra thực tế tại hộ chăn nuôi heo ở xã Cam Tân (huyện Cam Lâm), đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã nắm bắt tình hình khó khăn trong hoạt động tái đàn heo. Đồng thời, đưa ra một số khuyến cáo cho hộ nuôi nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, tránh để dịch bệnh tái phát.


Theo đại diện UBND huyện Cam Lâm, tổng đàn heo trên địa bàn hiện đã đạt hơn 160.000 con, chiếm hơn 50% tổng đàn của tỉnh và đạt ngưỡng bình thường so với thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra. Trong đó, đàn heo tăng mạnh ở các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 8-2020, toàn tỉnh có tổng đàn heo hơn 306.000 con, đạt 111,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, ASF trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Các địa phương đã cơ bản bảo đảm các yêu cầu để tái đàn; ngành Thú y cũng tập trung khuyến cáo các hộ nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn heo đảm bảo an toàn sinh học. Hoạt động tái đàn, tăng đàn diễn ra mạnh ở các trang trại, doanh nghiệp, còn hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm khoảng 20% tổng đàn) đến nay vẫn chưa mạnh dạn tái đàn.


Theo Sở NN-PTNT, công tác tái đàn heo trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn liên quan đến việc bệnh ASF vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường chăn nuôi và có khả năng tái phát, xuất hiện trở lại. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm con giống trong dân do nhiều đàn heo nái trong các nông hộ buộc phải tiêu hủy do mắc ASF; trong khi doanh nghiệp lớn sản xuất giống chủ yếu phục vụ nhu cầu của họ, phục vụ giống cho chăn nuôi gia công nên hạn chế bán con giống ra ngoài. Heo giống thiếu hụt khiến việc tái đàn của người chăn nuôi gặp khó; các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nên tái đàn gặp khó khăn.


Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá Khánh Hòa là địa phương có tốc độ tái đàn heo nhanh ở khu vực Nam Trung Bộ. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi đáp ứng tối thiểu các yêu cầu, đòi hỏi về an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, hướng dẫn người dân tổ chức tái đàn nhưng không ồ ạt. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi heo giống khan hiếm, giá giống tăng cao, một số nguồn giống chưa thực sự đảm bảo…


Hải Lăng - Hồng Đăng