11:04, 29/04/2020

Sư đoàn 3 Sao Vàng trong tháng Tư lịch sử

Là một chiến sĩ giải phóng miền Nam, thuộc Phòng Tham mưu, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi còn nhớ, sau khi giải phóng tỉnh Phan Rang (Ninh Thuận ngày nay), Sư đoàn 3 Sao Vàng được Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ đánh địch và giải phóng tỉnh Phước Tuy - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Là một chiến sĩ giải phóng miền Nam, thuộc Phòng Tham mưu, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi còn nhớ, sau khi giải phóng tỉnh Phan Rang (Ninh Thuận ngày nay), Sư đoàn 3 Sao Vàng được Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ đánh địch và giải phóng tỉnh Phước Tuy - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).


Ngày 23-4-1975, Sư đoàn 3 rời Phan Rang hành quân về phía đông nam TP. Sài Gòn. Cả đoàn xe quân sự và xe ô tô, xe đò chạy suốt ngày đêm. Dọc đường, chúng tôi nhìn thấy từ thị xã Phan Thiết đến rừng lá Long Khánh, quân ngụy vứt cả vũ khí, xe máy, áo quần, mũ sắt dọc hai bên đường...

 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 3 thành lập Trung đoàn pháo binh 68, với 19 khẩu pháo từ 85 tới 155mm và Quân đoàn 2 bổ sung thêm 1 đại đội pháo 130mm và 1 đại đội xe tăng.


Đến 7 giờ ngày 26-4, tại rừng tre và cao su - sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn, toàn thể cán bộ của các đơn vị đứng vây quanh chiếc bàn tre ghép sơ sài, trên trải bản đồ khu vực tỉnh Phước Tuy - Vũng Tàu để nghe đồng chí Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê hạ mệnh lệnh chiến đấu. Cùng dự có ông Huỳnh Hữu Anh - Tư lệnh phó Quân khu 5, đồng chí Nam Minh - Tỉnh đội phó Phước Tuy - Vũng Tàu và một số cán bộ tham mưu của Quân đoàn 2 xuống giúp sức. Trước khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị, ông sư đoàn trưởng khái quát tình hình khu vực tác chiến của sư đoàn. Cụ thể: Trung đoàn 12 đánh dịch ở 5 huyện lỵ vòng ngoài, thọc sâu giải phóng các huyện và bắt liên lạc với thị xã. Trung đoàn 141 đánh thẳng địch ở thị xã Bà Rịa và trung tâm huấn luyện khu Vạn Kiếp. Trung đoàn 2 sẽ đánh địch ở Vũng Tàu đợt 2. Trung đoàn pháo binh 68 yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị tác chiến. Buổi họp vừa kết thúc, một chiến sĩ cất lên giọng hát “Sài Gòn ơi ta đã về đây…”. Cả khu rừng rộn ràng tiếng hát. Tiếng xe ô tô kéo pháo, xe tăng nổ dòn và tiếng bước chân của hàng ngàn chiến sĩ theo chân cán bộ, du kích địa phương dẫn đường cho các đơn vị tiến quân vào vị trí chiến đấu.


17 giờ ngày 26-4, từ phía tây, hàng loạt tiếng nổ rền vang như sấm, báo hiệu Quân đoàn đã mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh vào TP. Sài Gòn lịch sử. Đến 19 giờ cùng ngày, Sư đoàn 3 Sao Vàng cũng bước vào cuộc chiến. Cả 19 khẩu pháo cùng lúc gầm lên, hàng ngàn viên đạn trút xuống đầu dịch. Trung đoàn 141 bắt đầu tiến công vào thị xã Bà Rịa. Hỏa lực cùng lúc, thấy xe tăng của ta, bọn địch giãn ra tháo chạy tán loạn. Tiểu đoàn 7 cùng xe tăng thọc sâu vào đường Lê Lợi, sau đó địch bắt đầu phản ứng trở lại, chống cự ác liệt, quân ta không tiến được.


Đến 22 giờ ngày 26-4, tại sở chỉ huy, Trung đoàn 141 nhận định, bọn địch không mạnh nhưng đông, bộ binh chưa theo kịp xe tăng khiến các mũi xung kích không vượt lên được. Đêm hôm đó, Trung đoàn 141 được lệnh giữ chắc các vị trí đã chiếm được, nhanh chóng đưa Tiểu đoàn 8 vào áp sát khu vực Vạn Kiếp, không cho địch co cụm, rạng sáng 27-4 sẽ tiến công tiếp.

 

Mít tinh kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-2000) tại Quảng trường 2-4, TP. Nha Trang.  Ảnh: Trần Duy

Mít tinh kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-2000) tại Quảng trường 2-4, TP. Nha Trang. Ảnh: Trần Duy

 

Trời vừa hửng sáng, xe tăng dẫn dầu Tiểu đoàn 7 đánh thẳng vào khu tiếp liệu, pháo trên xe tăng, B40, B41 lần lượt bắn tan các ổ đề kháng của địch rồi vượt qua đường Lê Lợi đánh vào các bộ chỉ huy như: an ninh, cảnh sát, bộ chỉ huy liên đoàn bảo an… Địch lui dần về trung tâm thị xã.


Trung đoàn 12 trong 1 ngày đêm đánh tan quân địch ở 4 huyện, từ Đức Thanh về huyện Long Điền, phối hợp với Trung đoàn 141 đánh vào khu trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp và Sư đoàn 18 ngụy cùng các vị trí ở ven biển. Đến 12 giờ ngày 27-4, thị xã Bà Rịa được hoàn toàn giải phóng.


Sư đoàn khẩn trương bước vào giai đoạn 2. Giữa lúc sở chỉ huy sư đoàn đang tổ chức lực lượng tiến đánh Vũng Tàu thì một tiếng nổ lớn vang lên ở phía nam thị xã Bà Rịa. Đồng chí Tham mưu trưởng Sư đoàn lặng đi khi được tin cầu Cỏ May bị địch đánh sập, địch hy vọng kéo dài thời gian cầm cự, tìm đường thoát ra biển. Với tình hình đó, sư đoàn họp quyết định lật cánh. Nhận được lệnh, 20 giờ ngày 28-4, Trung đoàn 12 vượt qua eo biển Long Lễ bằng thuyền đánh cá của dân, tiến đánh thẳng vào núi lớn, chia cắt thành phố ra làm 2, không cho quân địch chạy ra biển. Trung đoàn 141 vượt qua đầm lầy Cá Đối tiến đánh vào Trường Sĩ quan Công binh và Trường Sĩ quan Thông tin. Lúc đó, địch ở cầu Cỏ May tháo chạy, toàn bộ Trung đoàn 2 vượt qua cầu, dùng xe tăng địch đánh vào Trường Sĩ quan Hải quân và thiếu sinh quân rồi bọc sâu vào trung tâm thành phố. Các chiến sĩ đánh chiếm điểm cao 31, ấp Chi Linh, ấp Thống Nhất, rồi tiến đánh địch ở trại nghỉ mát Thủy Vân, đài ra đa.


Sau khi phân tích tình hình, sư đoàn trưởng ra lệnh cho pháo binh ngừng bắn vào các mục tiêu trong thành phố mà chuyển mục tiêu bắn ra biển, chặn tàu địch vào bờ chở địch tháo chạy. Trận đánh kéo dài, quyết liệt nhất ở trung tâm thành phố là trận đánh vào khách sạn Pa-lát, đây cũng là trận cuối cùng của địch. Khách sạn Pa-lát cao 9 tầng, sừng sững ở mé biển phía nam thành phố. Bọn sĩ quan tháo chạy trốn vào trong. Trung đoàn 12 bắt được tên tù binh là thiếu tá Bin. Tên Bin khai trong khách sạn có từ 450 đến 500 tên, bọn chúng dùng súng đại liên đặt ở cửa sổ của các tầng nhà và tầng trệt, dùng người dân để làm lá chắn.


Mờ sáng 30-4. Tiểu đoàn 6 dùng tên Bin kêu gọi địch đầu hàng nhưng chúng vẫn im lặng. Tiểu đoàn 6 được lệnh nổ súng, các chiến sĩ liên tục mở nhiều đợt tấn công nhưng bọn địch dùng đại liên, lựu đạn đánh trả quyết liệt. Trực tiếp chỉ huy đánh vào khách sạn, đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Hồng Sơn cho hỏa lực B40 và B4l bắn vào các ổ đề kháng của địch và cho bộ đội vượt tường vào tiếp cận tầng trệt, đưa người dân ra ngoài, sau đó vòng ra phía nam luồn qua đường hẻm của khu dân cư đánh vào cạnh sườn khách sạn. Đây là những thước đất đẫm máu của bộ đội ta. Người này hy sinh thì người khác liền xông lên. Lúc này, Tiểu đoàn 6 tổ chức lại đội hình tiến công vào khách sạn, các chiến sĩ dùng hỏa lực B40, B41 và Ak diệt địch. Bọn chúng không chịu nổi phải kéo cờ trắng và phát loa đầu hàng. Bộ đội ta đứng chặn ở các cầu thang, kiểm soát từng tên địch, lũ lượt bước xuống hơn 400 tên.


Đến 10 giờ 30 ngày 30-4, TP. Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng. Sư đoàn 3 Sao Vàng đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1 vạn tên dịch, giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Tuy, Vũng Tàu; tịch thu toàn bộ phương tiện chiến tranh gồm hàng ngàn xe tăng, xe pháo, tàu chiến và hàng ngàn tấn quân trang quân dụng khác, góp công cùng toàn quân, toàn dân ta đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Trần Xuân Trương
(Nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Báo Khánh Hòa)