12:08, 19/08/2019

Ngày hội của toàn dân

Ngày 19-8 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng được chọn là ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngày truyền thống của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Ngày 19-8 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng được chọn là ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), ngày truyền thống của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.


Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19-8 hàng năm là ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ.

 

Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Ở Khánh Hòa, ngày 29-3-2006, UBND tỉnh có Chỉ thị số 08/CT-UBND, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua 14 năm thực hiện, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” được đổi mới thường xuyên cả về nội dung và hình thức. Ngày hội không chỉ là dịp tập hợp đông đảo quần chúng, mà còn là đợt biểu dương lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền, cổ động; thăm hỏi, tặng quà, động viên các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc, những người có uy tín, có nhiệt huyết, tích cực ủng hộ phong trào. Ngành Công an cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho các cá nhân có nhiều năm cống hiến cho phong trào; tổ chức gặp mặt, giao lưu, tọa đàm tôn vinh những điển hình tiên tiến; tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; tổ chức các cuộc thi Công an xã giỏi. Ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp cũng tổ chức thi nghiệp vụ và pháp luật trong bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp… Các hoạt động trên đã làm cho ngày 19-8 thực sự trở thành ngày hội biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ.


Nhìn lại những nỗ lực trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, không thể không nhắc đến các thành viên “Đội xe thồ tự quản”, hiện đã có ở 8 huyện, thị xã trong toàn tỉnh đã dũng cảm truy bắt tội phạm cướp, cướp giật; hay những cựu chiến binh với mô hình “2+1”, “Thắp sáng niềm tin” ở các phường: Phước Hải, Phước Long, Vạn Thắng (TP. Nha Trang) giúp quản lý, giáo dục các thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hoàn lương. Các mô hình: “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm), “Báo động dân phòng” ở xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), “Một nhà mất trộm, cả làng vây bắt” ở xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh)… tuy tên gọi khác nhau, nhưng cùng là sử dụng tiếng kẻng để báo động và huy động mọi người tham gia truy bắt tội phạm. Với “Câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống ma túy” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh), các mẹ, các chị đã không quản ngày đêm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giúp đỡ các đối tượng nghiện từ bỏ tệ nạn, góp phần vào công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả. Mô hình “Dòng họ không có người phạm tội và tệ nạn xã hội” của dòng họ Phùng ở thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình (Ninh Hòa) đã lấy nhà thờ họ làm nơi giáo dục truyền thống cho con em, nhắc nhở con cháu phấn đấu rèn luyện. Các mô hình: “Đoàn kết, chung lòng xây dựng quê hương” ở Giáo xứ Ngọc Thủy, tổ dân phố Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp (Nha Trang); “Tiếng chuông khuyến học” ở giáo xứ Tân Bình, xã Cam Hòa (Cam Lâm) đã phát huy vai trò của Linh mục quản xứ và ban hành giáo trong công tác vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng đời sống văn hóa gắn với phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Mô hình “Đội Tự quản về an ninh trật tự” của xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh đã tập hợp 12 thanh niên dân tộc thiểu số, rất nhiệt huyết trong công tác tuần tra giữ rừng, giữ bình yên thôn bản. Ngoài ra, còn biết bao mô hình khác ở khắp các vùng, miền trong tỉnh đang làm cho phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sinh động, đầy màu sắc. Đặc biệt gần đây, với sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của mô hình camera an ninh ở nhiều địa phương, khu công nghiệp đã mang lại hiệu quả cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.


Kỷ niệm 14 năm “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, chúng ta tự hào với lực lượng nòng cốt ngày càng được quan tâm xây dựng lớn mạnh, gồm: 97 tổ chức công an xã với 920 thành viên; 40 ban bảo vệ dân phố với 1.836 thành viên; 204 đội bảo vệ với gần 1.556 thành viên. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức quần chúng khác như: Tổ An ninh nhân dân, Đội Thanh niên xung kích an ninh, Tổ Hòa giải... với khoảng 10.000 người đang hoạt động ở khắp các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, tạo thành sức mạnh quần chúng hỗ trợ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.


Có thể nói, những năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh đến cơ sở, đã nâng cao một bước hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; ổn định được tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để ngày 19-8 thực sự trở thành “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác huy động quần chúng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng của quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.


Thượng tá Nguyễn Minh Cường
(Phó Trưởng phòng PV05 Công an tỉnh)