10:05, 31/05/2018

Tăng cường kỹ năng phòng, chống thiên tai

Sáng 31-5, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. 

Sáng 31-5, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh chủ trì.


Thiệt hại nặng hơn do chủ quan


Đánh giá chung tại hội nghị cho thấy, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây xảy ra bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, hạn chế lớn nhất trong công tác này là người dân, chính quyền chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác PCTT; không ít người còn chủ quan trong công tác này khiến cho thiệt hại càng nặng nề hơn.

 

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh dẫn chứng, trong cơn bão số 12 năm 2017, tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, kêu gọi, thậm chí cưỡng chế nhưng nhiều người dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản trên lồng bè vẫn cố gắng bám trụ lại bè nuôi. Ông Đỗ Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cũng cho biết, trước cơn bão số 12 năm 2017, công tác vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, tìm nơi tránh trú an toàn gặp không ít khó khăn. Không chỉ người dân mà không ít cán bộ vẫn còn chủ quan, điều này khiến cho thiệt hại do thiên tai càng nặng nề hơn.


Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Khánh Hòa là địa phương có 6/9 địa bàn huyện, thị xã, thành phố nằm ở vùng ven biển và hải đảo, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội gắn với biển đảo, số hộ sinh sống ven biển lớn nên dễ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ bão, áp thấp nhiệt đới. Cùng với đó, một bộ phận chính quyền, người dân nhận thức về công tác PCTT còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức, còn lúng túng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ PCTT còn ít, lạc hậu và chưa đồng bộ, ngân sách riêng cho công tác PCTT để chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa trước thiên tai, xây dựng kế hoạch hàng năm và xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra cũng chưa có.

 

Các tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phòng, chống thiên tai năm 2017.

Các tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phòng, chống thiên tai năm 2017.

 

Tuyên truyền là nhiệm vụ cốt lõi


Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đã chứng minh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, địa phương chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng khi có sự hợp tác, nhận thức đúng và có kiến thức PCTT của người dân. Bão, lụt, sạt lở đất kéo đến thường kèm theo chia cắt cả về giao thông lẫn thông tin liên lạc. Giữa lúc các phương tiện ứng cứu còn nhiều hạn chế, chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người dân và các cấp chính quyền mới là yếu tố then chốt nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Vinh cho rằng, qua cơn bão lớn, bài học sâu sắc được rút ra đó là việc ứng phó của cấp tỉnh, huyện, xã chưa kịp thời. Việc vận dụng các phương án PCTT còn nhiều lúng túng. Thông tin từ tỉnh xuống đến người dân còn độ chênh lớn về thời gian, chưa đảm bảo tính kịp thời. Đến khi người dân nhận được thông tin lại thiếu kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó, khắc phục càng khiến cho thiệt hại nặng hơn. Đơn cử như việc chằng chống nhà cửa, Khánh Hòa xưa nay hầu như không phải thực hiện việc này, nên nhiều người dân không biết phải chằng chống như thế nào. Vì vậy, các cấp, ngành cần hướng dẫn người dân PCTT phải bằng những việc làm cụ thể, chi tiết và thiết thực hơn nữa. Mặt khác, công tác di dời dân trước bão, lụt, sạt lở đất hết sức quan trọng, nhưng các cấp chính quyền còn thiếu cương quyết.


Để công tác PCTT trong thời gian tới hiệu quả hơn, ông Lê Đức Vinh yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Chỉ khi nắm chắc về số lượng, quy mô, địa điểm mới thuận lợi cho việc ứng cứu cũng như làm công tác hỗ trợ thiệt hại sau bão. Ban chỉ đạo PCTT và TKCN các cấp, các địa phương, sở, ngành cần tập trung xây dựng phương án ứng phó, khắc phục thiên tai một cách chi tiết, nhiều kịch bản nhằm thích ứng với những thay đổi bất thường của thiên tai. Công tác phối hợp giữa các lực lượng cần chi tiết, cụ thể. “Việc hình thành, phát triển hệ thống thông tin sớm hơn, chính xác hơn là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu thiệt hại. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tùy chức năng, nhiệm vụ của mình đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt sớm tình hình thiên tai, mà còn trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai. Trong thời gian tới, công tác thông tin về thiên tai cần được đẩy mạnh hơn, tăng thời lượng, tần suất nhằm giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác. Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó cụ thể, phù hợp với điều kiện, tập quán của từng khu vực”, ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh.


Đối với công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12, ông Lê Đức Vinh yêu cầu việc khắc phục hạ tầng thiết yếu phải được các địa phương hoàn thành trong tháng 6-2018. Riêng huyện Vạn Ninh tập trung rà soát, thực hiện dứt điểm việc hỗ trợ thiệt hại sau bão, tránh để bức xúc kéo dài trong nhân dân.


Hồng Đăng

 


 

Liên tiếp những năm gần đây, Khánh Hòa phải hứng chịu cả 4 loại hình thiên tai khốc liệt nhất gồm: hạn hán, mưa lũ, sạt lở đất và bão. Giữa năm 2016 là hạn hán lịch sử khiến cho gần 73.000 người dân thiếu nước, hơn 70.000ha đất sản xuất nông nghiệp phải bỏ vụ, ước thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. Cuối năm 2016, 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt khắp nơi, làm 8 người chết và 1 người mất tích, 146 nhà bị sập, hư hỏng; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị nước lũ làm chết, cuốn trôi, hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Khi mưa lũ kéo về, hàng trăm nghìn m3 đất đá bị sạt lở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, vụ sạt lở đất ở Phước Đồng, Nha Trang đã xóa sổ hàng chục ngôi nhà, khiến 4 người chết, 6 người bị thương là một điển hình. Cuối năm 2017, cơn bão số 12 đã khiến 44 người chết, 229 người bị thương, thiệt hại về kinh tế hơn 15.500 tỷ đồng.