Lần đầu tiên tại Khánh Hòa, người tiêu dùng có thể sử dụng thịt heo được nuôi, chế biến và phân phối đáp ứng các yêu cầu tốt nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là hướng phát triển mà ngành chăn nuôi Khánh Hòa đang hướng đến.
Lần đầu tiên tại Khánh Hòa, người tiêu dùng có thể sử dụng thịt heo được nuôi, chế biến và phân phối đáp ứng các yêu cầu tốt nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là hướng phát triển mà ngành chăn nuôi Khánh Hòa đang hướng đến.
Tạo dựng lòng tin
Mỗi buổi sáng, như thường lệ, đúng 5 giờ là cửa hàng kinh doanh thịt heo sạch Long Phát tại số 6 Ngô Đức Kế, Nha Trang mở cửa. Các nhân viên trong bộ đồng phục gọn gàng vui vẻ chào khách hàng đến mua sản phẩm. Những miếng thịt heo được sắp xếp gọn gàng, bắt mắt bày bán trên bàn inox bóng loáng, tinh tươm. Cô nhân viên thoăn thoắt cắt những miếng thịt heo theo yêu cầu của khách.
Bà Phan Hà Liên - người đang mua hàng tại đây chia sẻ: “Tôi làm nội trợ cho một gia đình. Thịt tươi, ngon, sạch là yếu tố hàng đầu mà ông bà chủ yêu cầu nên dù giá bán có nhỉnh hơn ở chợ, tôi vẫn chọn mua thịt heo ở đây”. Còn theo chị Hồ Ngọc Tường Vy ở phường Phước Hòa, Nha Trang: “Dù đắt hơn khoảng 5.000 - 10.000 đồng mỗi ký thịt so với giá chợ, nhưng chúng tôi chấp nhận được. Quan trọng là cách phục vụ hiện đại, cách trưng bày bắt mắt, sạch sẽ, không cân thiếu... là tôi ưng rồi. Còn hôm nào không đến được cửa hàng, chỉ cần 1 cuộc điện thoại, độ mươi phút sau thịt đã được giao tận nhà mà không tốn thêm bất cứ phụ phí nào”.
Theo ông Phạm Hùng Long - chủ thương hiệu thịt heo sạch Long Phát, qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, sản phẩm của doanh nghiệp đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Đơn vị luôn nỗ lực và đặt chữ tâm lên hàng đầu để đưa ra thị trường sản phẩm ngon, sạch theo kênh phân phối chuẩn mực nhất có thể. Hiện nay, đã có hơn 2.000 khách hàng thân thiết, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 400kg thịt heo.
Định hình chuỗi cung ứng thực phẩm sạch
Trên mảnh đất rộng 5ha ở thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, nhà đầu tư đã xây dựng các khu chăn nuôi khép kín theo công nghệ châu Âu, bố trí theo dạng 1 chiều. Xa nhất là khu heo nái quy mô 160 nái sinh sản. Tiếp đến, những con heo đã được phối giống sẽ đưa vào diện chăm sóc đặc biệt ở một khu riêng. Rồi đến khu vực dành cho heo con cai sữa. Tại đây, heo được chăm sóc 1 tháng và cũng là giai đoạn tiêm ngừa các loại vắc xin phòng bệnh. Ngoài cùng là khu vực heo thịt với sức chứa 1.200 con. Toàn bộ các khu vực chăn nuôi heo tách biệt với các khu nhà ở công nhân, khu vệ sinh khử trùng…
Anh Trần Văn Tiên - người quản lý, điều hành khu chăn nuôi này, cho biết: “Việc ra vào khu trại hết sức nghiêm ngặt và bị cấm đối với người lạ. Năm 2017, trại chăn nuôi này đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, trở thành trại chăn nuôi heo thịt đầu tiên của Khánh Hòa đạt các tiêu chí khắt khe của chuẩn này”.
Đều đặn mỗi ngày, khoảng 4 - 6 con heo thịt được chở về khu vực ở xã Vĩnh Phương để giết mổ. Anh Hồ Xuân Hiệu - người đảm trách công đoạn này cho biết: “Heo được đưa về trước 1 ngày để được giãn cơ. Heo vừa mới vận chuyển về phải được tắm rửa sạch sẽ, cho ăn nhẹ và đợi ít nhất 8 giờ mới giết mổ. Vì lúc này hệ thống cơ của heo mới trở lại trạng thái bình thường. Như thế thịt mới mềm, ngọt, không bị khô, cứng”. Hoạt động giết mổ được thực hiện trên bàn cao khoảng 1m so với mặt đất; sau đó thịt được xe chuyên dùng chở về các điểm kinh doanh. Tại đây, thịt heo được pha lóc, phân chia thành những loại thịt khác nhau để đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Cùng với quy trình chăn nuôi heo chuẩn VietGAP, qua giám sát, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong công đoạn giết mổ, phân phối. Đây là mô hình hiện đại, khoa học, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”.
Công Định