Tết bây giờ không còn nhộn nhịp như xưa. Cuộc sống quá bận rộn nên Tết đến xuân về ít ai còn rim mứt, gói bánh, nấu bánh… như ngày xưa. Một nguyên nhân khác nữa là do ngoài chợ luôn tràn ngập các loại mứt Tết, đủ loại, rất đẹp, rất bắt mắt. Bánh chưng bánh tét cũng được bán ê hề tại các quầy hàng, cửa hiệu, trên đường phố…
Tết bây giờ không còn nhộn nhịp như xưa. Cuộc sống quá bận rộn nên Tết đến xuân về ít ai còn rim mứt, gói bánh, nấu bánh… như ngày xưa. Một nguyên nhân khác nữa là do ngoài chợ luôn tràn ngập các loại mứt Tết, đủ loại, rất đẹp, rất bắt mắt. Bánh chưng bánh tét cũng được bán ê hề tại các quầy hàng, cửa hiệu, trên đường phố…
Tuy vậy, Tết năm nào nhà tôi cũng rim mứt và nấu bánh. Bởi tôi không bao giờ quên những cái Tết đầy háo hức của một thời thơ bé. Tôi muốn các con tôi được cảm nhận không khí ngày Tết qua việc làm mứt, gói bánh, luộc bánh…, như tôi đã từng được đón nhận một cách vô cùng hào hứng, tràn ngập niềm vui của những ngày Tết xưa…
Dạo ấy, vào giữa tháng Chạp, cả không gian tràn ngập hương mứt: mùi mứt gừng nồng nàn, mùi mứt dừa ngan ngát, mùi va ni ngào ngạt, mùi đường sên ấm áp… Những mùi thơm quyện vào nhau, ấm sực những đêm đông se lạnh.
Cùng với xóm giềng, nhà tôi cũng bắt đầu làm mứt. Những thứ mứt đơn giản nhất, dễ làm nhất như: mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt cà rốt, mứt khoai lang… Nguyên liệu được mẹ mua từ đầu tháng Chạp, cất dưới chạn, để dành Tết. Khoảng hai mươi tháng Chạp trở đi, mỗi tối, khi công việc trong ngày xong xuôi, cả nhà xúm vào chuẩn bị: gọt khoai, nạo gừng, bào dừa, xắt bí… vừa làm vừa nói chuyện, tiếng cười rộn rã gian bếp nhỏ.
Mẹ chọn ra những loại củ quả tốt nhất để làm mứt cúng và tiếp khách. Số còn lại, mẹ chia cho 3 chị em. Tùy theo trí tưởng tượng và tay nghề, mỗi đứa tha hồ sáng tạo những sản phẩm của riêng mình. Tôi tỉ mẩn khắc những bông hoa, cành lá từ cà rốt hay khoai lang… Sản phẩm của “cậu Ba” là những cái tàu bay, ô tô, xe lửa… từ bí đao hay gừng. Còn “cô Út” cắt cắt, xén xén, tạo ra những con vật mà nếu Út không gọi tên, sẽ chẳng biết đó là chó, mèo, gà hay heo…
Tôi vẫn nhớ những buổi tối mùa xuân ấm áp ngày ấy, cả nhà ngồi quanh bếp lửa, hít lấy hít để mùi thơm ngọt ngào của những chảo mứt đang sôi lục bục. Mẹ ngồi bên chảo mứt, luôn tay khuấy đũa, đảo mứt, trộn đường… Sau khi xong việc dọn dẹp trên nhà, ba cũng xuống bếp kể chuyện cổ tích. Vẫn là những câu chuyện cũ năm nào ba cũng kể, chúng tôi nghe đến thuộc lòng vậy mà vẫn háo hức nghe. Cứ thế, tíu ta tíu tít đến tận khuya.
Đợi mãi rồi cũng đến lúc mứt chín. Giây phút chờ đợi nhất đã đến, chúng tôi đưa tay nhận những “thành quả” của mình trong niềm vui khôn tả. “Bữa tiệc khuya” của cả nhà khi đó là ăn đến no, đến chán chỗ mứt vụn đáy chảo. Chao ơi sao mà ngon, mà ngọt ngào đến thế!
Khoảng 28, 29 tháng Chạp, một lần nữa, chúng tôi lại náo nức chuẩn bị gói bánh. Những buổi tối, mọi người lại quây quần dưới bếp. Ba chẻ lạt, mẹ đãi đậu, vo nếp, tôi và các em rọc cuống, phơi và lau lá… Hồ hởi và tràn ngập một niềm vui rạo rực rất trẻ con - niềm vui đón Tết. Dạo đó, ba mẹ chỉ được nghỉ vào chiều 30 tháng Chạp nên chỉ có thể gói bánh vào lúc đó. Mẹ trải chiếu giữa nhà, đặt lên các thứ nguyên liệu đã chuẩn bị từ trước. Chiều 30 Tết, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, cả nhà cùng bắt tay vào gói bánh. Gọi là “cả nhà” nhưng thật ra chỉ có ba biết gói. Chúng tôi ngồi cạnh, chăm chú theo dõi từng động tác của ba, trầm trồ và thán phục nhìn những cái bánh chưng vuông vắn, những cái bánh tét tròn trĩnh… Đứa nào cũng háo hức chờ đến khi ba gói xong bánh lớn. Khi đó, bao giờ ba cũng dành lại ít nếp và nhân để gói cho mỗi đứa con một cái bánh nhỏ xíu buộc với một sợi dây lạt dài.
Đêm giao thừa, nồi bánh được bắc trong góc sân, chỗ kín gió nhất. Tôi trải cái chiếu nhỏ trước bếp cho mấy em cùng ngồi, vừa ngắm lửa vừa đẩy củi. Đêm ba mươi, trời tối rất nhanh. Tuy vậy, cả góc sân sáng rỡ nhờ ánh lửa hắt ra từ bếp, thành một quầng sáng lung linh ấm áp. Mẹ kê thêm mấy hòn gạch, làm cái bếp phụ, bắc một ấm nước. Một lúc sau, nước trong ấm sôi sùng sục. Mẹ gọi từng đứa vào tắm tất niên, thay quần áo mới. Những bộ quần áo mẹ mua từ cả tháng trước đó, để dành mặc đón giao thừa.
Năm nào cũng vậy, lúc mới bắc bếp, ba chị em xung phong canh bánh. Bếp lửa ấm quá nên chỉ khoảng nửa giờ sau, mắt đứa nào cũng trĩu xuống, ngủ ngon lành, vô tư đến nỗi quên mất “nhiệm vụ” quan trọng là canh nồi bánh. Đến khi có tiếng gọi to của ba mẹ chúng tôi mới giật mình, ngồi bật dậy. Những cái bánh nhỏ được vớt trước, cho vào thau nước lạnh. Lần lượt từng đứa đưa tay nhận bánh, mắt sáng rỡ. Những cái bánh tí hin được chúng tôi để dành, đeo lủng lẳng trước bụng, nâng niu suốt mấy ngày Tết.
Những mùa xuân lần lượt đến rồi đi. Nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ về những ngày Tết xưa vẫn luôn được lưu giữ trong ký ức của chúng tôi.
Trần Thị Giao Thủy