10:02, 18/02/2018

Khát vọng của "cô gái Liên hợp quốc"

Từng tham gia nhiều hoạt động của Liên hợp quốc, từng đặt chân tới 14 nước trên thế giới nên khao khát thay đổi giáo dục của cô gái trẻ Tôn Nữ Tường Vy càng trở nên cháy bỏng. Việc tự nguyện ở trại tị nạn nước ngoài, đến những vùng xung đột Hồi giáo, cũng chỉ để hun đúc cho ước mơ góp phần phát triển giáo dục của Tường Vy.

Từng tham gia nhiều hoạt động của Liên hợp quốc, từng đặt chân tới 14 nước trên thế giới nên khao khát thay đổi giáo dục của cô gái trẻ Tôn Nữ Tường Vy càng trở nên cháy bỏng. Việc tự nguyện ở trại tị nạn nước ngoài, đến những vùng xung đột Hồi giáo, cũng chỉ để hun đúc cho ước mơ góp phần phát triển giáo dục của Tường Vy.


Bước qua lằn ranh


Lần đầu tiên gặp Vy, nhìn dáng vẻ mảnh mai, nhỏ bé, cách nói chuyện nhỏ nhẹ, khiêm nhường của cô, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi khi tiếp xúc, Vy luôn thể hiện một tư duy logic, những lập luận chắc chắn khiến người nghe cảm thấy thích thú, thán phục.

 

Tường Vy tại hội nghị về giáo dục của Liên hợp quốc.

Tường Vy tại hội nghị về giáo dục của Liên hợp quốc.


Tuy sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) nhưng Vy luôn cảm thấy may mắn khi bố mẹ là người đầu tiên của làng cho con học đại học. Vì quyết định này, gia đình Vy gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng đổi lại, cô hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và nuôi ước mơ trở thành nhà giáo. Cũng chính từ giảng đường đại học, ước muốn “xê dịch” để học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng của Vy càng được hun đúc. Và con đường xuất ngoại, bước đến những vùng đất mới dường như trở thành mục tiêu sống của cô gái nhỏ bé đất Cam Lâm.


Với sự cố gắng của mình, năm 2011, khi đang học ở Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Vy trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh về đổi mới giáo dục quốc tế tại Qatar do Liên hợp quốc tổ chức. Sau lần đó, cô tiếp tục tham gia hàng loạt chương trình hội thảo, tình nguyện quốc tế. Riêng năm 2013, Vy xuất ngoại tới 6 lần đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản. Không những thế, ít ai ngờ, cô gái nhỏ bé, mỏng manh như Vy lại sẵn sàng dấn thân đến những vùng xung đột ở Philipphines, các trại tị nạn ở Thái Lan, Myanmar... chỉ nhằm thỏa mãn những hiểu biết hơn thế giới bên ngoài. Với Vy, bước qua biên giới địa lý không phải là chuyện quá khó, nhưng để bước qua ranh giới mơ hồ được dựng lên bằng suy nghĩ và sự lo sợ của mỗi người khi đi ra nước ngoài là chuyện không dễ dàng. Từ hành trình chinh phục những “lằn ranh ám ảnh” ấy, được cô gái “ốc tiêu” Tôn Nữ Tường Vy thể hiện một cách đầy bản lĩnh và thú vị. Chính sự dấn thân của Vy đã khiến nhiều người đặt cho Vy biệt danh “cô gái Liên hợp quốc”.


Hơn 7 năm mạnh dạn bước chân ra khỏi “vùng an toàn” được bảo vệ bởi gia đình, đặt chân đến 14 quốc gia trên thế giới mà phần lớn là các vùng biên giới và xung đột, những trải nghiệm thực tế, những cú va chạm đầu đời hay những suy tư về giáo dục, lịch sử, môi trường đều mang lại những điều bổ ích cho Vy. Nhớ lại những miền đất đã qua, Vy tâm sự: “Em từng rất sốc, từng tổn thương rất nhiều trong mỗi chuyến đi khi chứng kiến quá nhiều khác biệt về văn hóa, tôn giáo, quan điểm chính trị và xã hội của những người, những nơi mình đặt chân đến. Thế nhưng, cũng chính những cú sốc tinh thần đó lại là nguồn động lực lớn giúp em rèn luyện kỹ năng cần thiết, tự học để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, để biết cách cư xử phù hợp với văn hóa và con người của từng vùng đất mà mình ghé qua”.


Ước mơ thay đổi giáo dục


Vy cho biết, ước mơ cháy bỏng từ thuở nhỏ của cô chính là trở thành nhà giáo. Song, khác với ước mơ “cô giáo trường làng” thuần túy, Vy mang khát vọng lớn lao cho nền giáo dục với những phương pháp tiếp cận mới hơn, tiên tiến hơn. Cô gái sinh năm 1990 luôn mong muốn sẽ tạo ra một điều gì đó mới mẻ cho nền giáo dục nước nhà, để thế hệ sau không phải “vật vã” học như cô. “Từ những chuyến đi qua 14 quốc gia, vùng đất khác nhau, em nhận ra có rất nhiều phương pháp giáo dục không phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tài chính hay xuất thân, cũng không phụ thuộc vào trường học chính quy. Em muốn việc học ở Việt Nam cũng đa dạng như vậy để ai cũng có cơ hội học theo cách của họ”, Vy chia sẻ.

 

“Cô gái Liên hợp quốc” (thứ hai, hàng đầu từ trái sang) cùng các bạn quốc tế tại Campuchia.

“Cô gái Liên hợp quốc” (thứ hai, hàng đầu từ trái sang) cùng các bạn quốc tế tại Campuchia.


Chính vì khát vọng thay đổi giáo dục ấy mà đầu năm 2016, Vy đã từ chối cơ hội làm việc cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ở Campuchia để dành tâm huyết cho dự án giáo dục của mình với mong muốn làm được điều gì đó có giá trị cho cộng đồng. Tháng 4-2016, Vy bắt đầu mở một số lớp dạy tiếng Anh ở TP. Hồ Chí Minh nhưng không đơn thuần chỉ để dạy tiếng Anh. Bằng những trải nghiệm thực tế ở nước ngoài, cô đã thiết kế các lớp học mới lạ với những hoạt động khơi dậy sự tò mò cho học viên, rèn luyện khả năng tư duy phản biện và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng trong một thế giới phẳng như hiện nay. Cô muốn phát triển khả năng tự học, xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho giới trẻ Việt Nam.


Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mở lớp dạy học, Vy nhận thấy, để có thể làm được những điều lớn lao hơn và hiện thực hóa khát vọng đổi mới giáo dục, bản thân cô cũng cần trang bị thêm những kiến thức cần thiết. Vì vậy, “cô gái Liên hợp quốc” quyết định “săn” học bổng du học. Mới đây, Vy đã được Chính phủ Anh trao học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ giáo dục và phát triển quốc tế tại Đại học College London (UCL). “Sau khi ở Anh về, em hy vọng sẽ hỗ trợ được các nhóm tự học và những gia đình dạy con tại gia, mở ra môi trường mới cho những phương pháp giáo dục thay thế ở Việt Nam. Khi đó, em sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn để phục vụ cho cộng đồng”, Vy vui mừng nói về dự định trong tương lai của mình.


Tạm biệt Vy, điều khiến tôi ấn tượng mãi vẫn là cách nói chuyện nhỏ nhẹ với tư duy logic, mỗi câu nói luôn có sự lập luận và ở đâu đó luôn có vô vàn dấu hỏi đi kèm để tìm câu trả lời. Đó cũng chính là sự thôi thúc để Vy vượt ra khỏi ranh giới an toàn, ra khỏi biên địa quốc gia, hòa nhập với thế giới bên ngoài để tìm hiểu những điều lớn lao hơn.  


Đình Lâm