09:01, 28/01/2017

Cảng quốc tế Cam Ranh - hành trình hội nhập

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Cam Ranh đã và đang phát huy được thế mạnh, trở thành điểm "nghỉ chân" trên tuyến hàng hải qua Biển Đông, từng bước vươn tầm trở thành cảng biển lớn, hiện đại bậc nhất cả nước.

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Cam Ranh đã và đang phát huy được thế mạnh, trở thành điểm “nghỉ chân” trên tuyến hàng hải qua Biển Đông, từng bước vươn tầm trở thành cảng biển lớn, hiện đại bậc nhất cả nước.


Mở cửa hội nhập    


Cảng quốc tế Cam Ranh những ngày cuối năm tất bật, nhộn nhịp hơn thường lệ. Từng chuyến tàu nối tiếp nhau cập bến. Đại tá Uông Xuân Phúc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay (ngày 8-3), cảng đã tiếp nhận hơn 20 lượt tàu, trong đó có 2 tàu du lịch quốc tế hạng sang với hàng nghìn du khách; tàu hàng và 16 lượt tàu quân sự các nước: Singapore, Nhật Bản, Pháp, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia... Nhiều dịch vụ của cảng đã được du khách, sĩ quan, thủy thủ đoàn sử dụng: quán bar, cầu bãi, lương thực, thực phẩm, cấp dầu, cấp nước, hoa tiêu hàng hải…

 

Tàu du lịch quốc tế hạng sang cập Cảng quốc tế Cam Ranh
Tàu du lịch quốc tế hạng sang cập Cảng quốc tế Cam Ranh


Cảng đi vào hoạt động đã góp phần mở cửa hội nhập quốc tế về lĩnh vực cảng biển của Việt Nam, đồng thời khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng và lợi thế của vịnh Cam Ranh - một vị trí có vai trò đối với chiến lược quốc phòng, an ninh mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa. Cảng nằm ở vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các khu vực dầu khí tại thềm lục địa phía đông - nam Việt Nam. Hơn nữa, cảng nằm trong vịnh Bình Ba kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20m nước, khu vực ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất tốt, phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn. “Trước mắt, cảng tập trung khai thác 3 lĩnh vực: cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách”, ông Sơn cho biết.

 

Lãnh đạo Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh  trong lần tiếp đón chỉ huy tàu hải quân Ấn Độ thăm cảng
Lãnh đạo Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh trong lần tiếp đón chỉ huy tàu hải quân Ấn Độ thăm cảng


Với sự liên kết chặt chẽ, các tàu khách du lịch quốc tế mang theo du khách cập cảng cũng được di chuyển về Nha Trang sử dụng các sản phẩm du lịch độc đáo của Khánh Hòa, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Nha Trang mà còn đóng góp nhiều vào sự phát triển của tỉnh. Theo ông Sơn, “thời gian tới, cảng sẽ có thêm các chính sách ưu đãi để thu hút nhiều hơn các tàu hàng, tàu du lịch vào cảng như: dịch vụ kho bãi, cầu cảng, vận chuyển… Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các khu du lịch của tỉnh để tạo chuỗi sản phẩm du lịch hoàn hảo phục vụ du khách”.


Trong chuyến thăm Cảng quốc tế Cam Ranh mới đây, Đại tá Morishita Osamu, chỉ huy đơn vị tàu hộ vệ số 15 của Hải quân Nhật Bản cho hay, Cảng quốc tế Cam Ranh thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho các tàu quốc tế. Cảng có vị trí thuận lợi với mực nước sâu, tàu cỡ lớn ra vào thường xuyên. Các dịch vụ tại cảng rất tốt. Đặc biệt, việc xây dựng Cảng quốc tế Cam Ranh đã chứng minh được đường lối ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đánh giá rất cao.


Cảng biển hiện đại bậc nhất


Cảng quốc tế Cam Ranh được xây dựng là một trong những cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam, trở thành một khu dịch vụ hàng hải và cung ứng, sửa chữa tàu biển lớn, hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng lớn trên thế giới và đến hàng thế kỷ sau vẫn không lạc hậu. Cảng được xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để đơn vị thực sự là cảng biển chính quy, mẫu mực, an toàn, có sức hút mạnh mẽ đối với các nước và các hãng tàu lớn của nước ngoài.  

 

Cầu cảng thiết kế theo phương án bến nhô giúp tàu có thể cập hai bên
Cầu cảng thiết kế theo phương án bến nhô giúp tàu có thể cập hai bên


Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cảng sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu với tải trọng tàu tối đa đến 110.000DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.

 

Cảng quốc tế Cam Ranh được xây dựng là cảng mở, có thể đón tiếp các loại tàu quân sự, tàu khách quốc tế; đồng thời cung cấp dịch vụ hàng hải tại Căn cứ Quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu; góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Cảng được chia làm 2 nhóm công trình là nhóm thủy công và nhóm công trình trên bờ. Trong đó, nhóm công trình thủy công gồm: hệ thống các cầu cảng được bố trí theo phương án bến nhô, cập tàu 2 phía để tăng cường năng lực đón tiếp tàu; nhóm công trình trên bờ gồm: hệ thống công trình dịch vụ đón tiếp và điều hành với khu nhà văn phòng, đón tiếp, ăn ca 7 tầng và công trình dịch vụ hậu cần kỹ thuật. Khu dịch vụ hậu cần hiện đại, đa dạng, rộng lớn gồm: tổng kho phân phối hàng hóa; hệ thống đường giao thông nội bộ; bãi tập kết hàng hóa; khu thể thao gồm nhà thi đấu thể thao và bể bơi, sân bóng đá, sân tennis, sân bóng rổ.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tham dự lễ khai trương đã nhận định: Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, cảng sẽ là cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng trên thế giới. Xây dựng Cảng quốc tế Cam Ranh là để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.


Mạnh Hùng