10:02, 10/02/2008

“Bùng nổ” Ngô Văn Kiều

Năm 2007, chủ công đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa và đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Ngô Văn Kiều từ một “cánh chim lạ” đã trở thành “oanh tạc cơ” xuất sắc nhất Đông Nam Á...

Năm 2007, chủ công đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa và đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Ngô Văn Kiều từ một “cánh chim lạ” đã trở thành “oanh tạc cơ” xuất sắc nhất Đông Nam Á. Ngoài khả năng ghi điểm của một “sát thủ”, Kiều còn được biết đến qua đức tính chân chất, cần cù luyện tập và lối sống giản dị, nghiêm túc.

°Không ngại khó!

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Phủ Lý - Hà Nam, Kiều khăn gói rời quê hương vào Nha Trang kiếm việc làm lúc mới 15 tuổi. Sau 1 năm làm công nhân chế biến song mây, Kiều nộp đơn xin dự tuyển vào lớp năng khiếu bóng chuyền của tỉnh nhưng không đạt. Với niềm đam mê trái bóng, Kiều đã tìm sang bóng đá và được đưa vào tập luyện ở đội năng khiếu bóng đá trẻ Khánh Hòa do Huấn luyện viên (HLV) Đặng Quốc Hùng huấn luyện. Tại đây, thể hình cao kều cộng với tay chân… ngoại cỡ, không có đôi giày đinh nào đi lọt, vì thế, Kiều được bố trí làm thủ môn với đôi giày ba-ta. Tuy lương cầu thủ không bằng lương công nhân song mây, lại tập luyện rất gian khổ, thiếu thốn đủ bề, nhưng sự đam mê và tinh thần vượt khó đã giúp Kiều tôi luyện thể lực tốt, phát triển chiều cao rất nhanh. Đến tháng 10-2001, Kiều chính thức trúng tuyển vào lớp năng khiếu bóng chuyền Khánh Hòa (BCKH) với chiều cao 1m86. Đây là giai đoạn khó khăn nhưng ý nghĩa đối với Kiều. Mức lương, phụ cấp 600.000 đồng/tháng không đủ cho một vận động viên (VĐV) đang tuổi ăn tuổi lớn như Kiều, nhưng anh vẫn siêng năng tập luyện, hết giờ tập chính lại xin tập thêm ngoài giờ, rồi ngày ngày ra biển nhồi thể lực với cát. Đến năm 2002, Kiều được đôn lên đội tuyển của tỉnh tham dự giải trẻ tại Quảng Trị nhưng không phải vì tài năng mà do đội… thiếu người. Một năm sau đó, Kiều tiếp tục được tham dự giải A1 ở Ninh Thuận nhưng đội BCKH bị loại ở vòng bán kết. Đến năm 2004, BCKH tiếp tục trầm luân ở hạng A1. Rồi năm 2005 trôi qua, BCKH vẫn lỗi hẹn với hạng đội mạnh nhưng các nhà chuyên môn đã bắt đầu để mắt tới Kiều khi anh được gọi vào ĐTQG tham dự Sting Cup ở TP. Hồ Chí Minh và Giải các câu lạc bộ (CLB) châu Á tại Nhật Bản. Tuy vậy, cả 2 giải đấu Kiều đều đóng vai trò… dự bị. Đến lúc ĐTQG tập luyện để tham dự SEA Games 23, chàng trai 20 tuổi Ngô Văn Kiều vẫn chưa có suất chính thức và “được” HLV Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: “Kỹ thuật bình thường, chiến thuật yếu”. Cùng lúc này, Ban huấn luyện đội BCKH xin Kiều về địa phương để tham gia Vòng chung kết hạng A1, để rồi Khánh Hòa bị loại ở bán kết, còn Kiều được gọi tiếp lên ĐTQG và tham gia 3 trận đấu… thủ tục với Nhật Bản, Bahrain, Đài Loan tại Giải các CLB châu Á năm 2006. Lúc này, tài năng của Ngô Văn Kiều đã bắt đầu đến độ chín.

Pha đập bóng đầy uy lực là nỗi sợ hãi của hàng chắn đối phương.

° Năm 2007 - “Bùng nổ” Ngô Văn Kiều

Tại giải bóng chuyền hạng Nhất quốc gia năm 2007, kết quả Nhất vòng loại, Nhì vòng bán kết và Nhì vòng chung kết đã đưa BCKH lên hạng đội mạnh toàn quốc năm 2008. Người góp công đầu vào thành công sau 11 năm chờ đợi miệt mài của BCKH không ai khác chính là đội trưởng chủ công Ngô Văn Kiều. Chàng trai có bước nhảy “hoành tráng” nhất Việt Nam sau bao năm khổ luyện giờ đã trở thành linh hồn của BCKH khi vừa tròn 23 tuổi. Kiều chính là tác giả của danh hiệu VĐV xuất sắc nhất vòng chung kết hạng A1. Trước đó, Kiều được chơi cả 8 trận cho đội tuyển Việt Nam tại Giải các CLB châu Á diễn ra ở Indonesia và được đánh giá rất cao trong vai trò chủ công. Dấu ấn càng in đậm trong lòng những người hâm mộ về chàng “kều” Việt Nam tại Cúp Sting diễn ra tháng 11 tại TP. Hồ Chí Minh. Kiều đã khẳng định tài năng của mình bằng những cú đập trên tay chắn đầy uy lực cũng như khả năng tấn công biên “sát thủ”. Tại đây, tuyển Việt Nam lần lượt vượt qua Sri Lanka, Thép Việt TP. Hồ Chí Minh, Philippines và hạ gục Thái Lan 3-1 ở trận chung kết để giành ngôi vị vô địch, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chủ công Ngô Văn Kiều - người được vinh danh VĐV xuất sắc nhất giải. Tài năng của Kiều tiếp tục được khẳng định tại SEA Games 24 khi đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã vượt qua Myanmar (3-1), Thái Lan (3-0), Lào (3-0) và Indonesia 3-2 để xếp thứ nhất tại vòng bảng. Chiếc Huy chương Bạc đầu tiên của bóng chuyền Việt Nam tại đấu trường SEA Games có phần đóng góp đáng kể của chủ công Ngô Văn Kiều. Ở trận đấu với Thái Lan - đội bóng chuyền mạnh nhất Đông Nam Á, Kiều đã ghi được 31/77 điểm của toàn đội, trong khi đó chủ công xuất sắc nhất Thái Lan cũng chỉ ghi được 15 điểm. Còn trận chung kết với Indonesia tuy tuyển Việt Nam để thua 0-3 nhưng Kiều cũng đã ghi được 17 điểm, nhiều hơn các cầu thủ trong đội. Những danh hiệu “oanh tạc cơ” hay chủ công xuất sắc nhất Đông Nam Á của Kiều ra đời từ đó.

° Những tố chất đáng trân trọng

Cao 1m96, nặng 86kg, với tay 2m57, bật cao tại chỗ 3m58 - Ngô Văn Kiều đang sở hữu những tố chất tốt nhất của một cầu thủ bóng chuyền. Về khả năng của Kiều, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh đánh giá: “Chúng ta đều biết, chiều cao thường phản bội sức bật, nhưng Kiều lại có được cả 2. Sức bật của Kiều thuộc vào loại tốt nhất Việt Nam (1,1m) cộng với chiều cao cũng vào loại vô địch so với các VĐV bóng chuyền hạng A1 cũng như hạng đội mạnh. Đó là những tố chất rất quý mà bóng chuyền Việt Nam phải đợi mấy chục năm mới tìm được một người”.

Những tố chất đó cùng với tinh thần tập luyện cần mẫn, không ngại gian khổ đã giúp Kiều nhanh chóng trở thành “vũ khí lợi hại” của Khánh Hòa cũng như tuyển Việt Nam. Nhưng không phải đến bây giờ, khi đã trở thành VĐV bóng chuyền “hot” nhất Việt Nam, mà trong các năm 2005 và 2006, khi Kiều với BCKH đang lận đận ở giải hạng Nhất, một vài CLB lớn trong nước đã tìm cách chiêu mộ cầu thủ này với mức giá kỷ lục: 500 triệu đồng và mức lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng đáp lại của Kiều chỉ là cái lắc đầu. Cần nhớ BCKH lúc đó như một đứa “con rơi” với danh hiệu “nghèo nhất nước”, đời sống, điều kiện tập luyện của các cầu thủ BCKH không thể bằng các địa phương khác, nhưng Kiều vẫn chung thủy với đội BCKH, bỏ mặc những lời mời chào đầy hấp dẫn. Giải thích cho hành động này, Kiều chỉ cười: “Tôi đã gắn bó với Khánh Hòa và muốn đi lên cùng các đồng đội ở đây”. Ngay cả khi Ngô Văn Kiều và bóng chuyền Sanest Khánh Hòa đã đi lên, một vài CLB lớn ở phía Nam tỏ ý muốn chiêu mộ Kiều với giá 1 tỷ đồng, thậm chí có đơn vị sẵn sàng chi 1,5 tỷ đồng để có được tay đập xuất sắc này nhưng Kiều từ chối. Anh muốn cùng đồng đội của mình gắn bó lâu dài với CLB Sanest.

Cần nói thêm rằng, trong thành công của BCKH nói chung và sự bùng nổ của cá nhân Ngô Văn Kiều nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của Công ty Yến sào Khánh Hòa - đơn vị tài trợ cho đội bóng kể từ năm 2007. Đây là một mô hình xã hội hóa thể thao mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. BCKH từ chỗ có thể phải giải tán đã được “tiếp lửa” kịp thời, có điều kiện cải thiện lương, thưởng, cơ sở vật chất, chiêu mộ VĐV cả nội binh lẫn ngoại binh. Sự trợ giúp của Công ty Yến sào Khánh Hòa không chỉ ở vật chất, mà Ban lãnh đạo Công ty còn theo sát từng bước đi của đội, kịp thời cổ vũ, động viên và giải quyết những vướng mắc của anh em. Đơn cử như lần thi đấu tại Quảng Trị trong khuôn khổ Vòng chung kết giải bóng chuyền hạng Nhất năm 2007, Ban Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa đã bố trí 40 nhân viên tháp tùng đội bóng ra Quảng Trị làm cổ động viên và cử người ra tận Quảng Trị đàm phán với Đoàn Khối Doanh nghiệp và Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Trị để xin tăng cường thêm cổ động viên cho Sanest Khánh Hòa. Những nghĩa cử cao đẹp đó là nguồn động viên không nhỏ giúp BCKH thăng hạng đội mạnh năm 2008.

Đã 6 năm kể từ lần đầu tiên được khoác áo đội tuyển BCKH, vượt qua biết bao thăng trầm và không ít kỷ niệm vui buồn, VĐV 23 tuổi này đã đến độ chín. 3 dấu ấn đậm nét nhất của Kiều cũng chính là thành tích đáng trân trọng mà BCKH và tuyển Việt Nam đạt được đó là vô địch Cúp Sting, á quân SEA Games 24 và Sanest Khánh Hòa giành quyền lên chơi hạng đội mạnh. 2 trong 3 giải đấu đó, Kiều đều là VĐV xuất sắc nhất để rồi “bùng nổ” tại SEA Games 24. Đánh giá về Kiều, ông Triệu Tử Thiên - HLV trưởng đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa cho biết: “Kiều có đạo đức rất tốt, tác phong, tinh thần tập luyện cần mẫn, chịu khó học hỏi và thường xuyên giúp đỡ đồng đội. Hiện nay, Kiều vẫn tỏ ý nguyện muốn gắn bó lâu dài với Sanest Khánh Hòa”.

Giờ đây, Kiều vẫn ngày ngày siêng năng tập luyện cùng đội bóng và những ai tiếp xúc với Kiều vẫn cảm nhận được nguyên vẹn chất mộc mạc, lễ phép và siêng năng của cậu bé “kều” thủ môn ngày nào. Đây thật sự là những phẩm chất đáng quý của VĐV này.

CÔNG ĐỊNH