10:09, 18/09/2017

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 9

Ngày 10-8-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP về các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

1. Hướng dẫn tính phụ cấp nhà giáo giảng dạy người khuyết tật


Ngày 10-8-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP về các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.


Theo đó, thời gian không được tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật gồm các trường hợp sau:


- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP;


- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy người khuyết tật liên tục trên 3 tháng;


- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;


- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành;


- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.


Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 25-9.


2. Quy định về chi phí khám sức khỏe cho tuyển sinh quân sự


Đây là quy định nổi bật tại Thông tư 187/2017/TT-BQP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-9.


Theo đó, chi phí khám sức khỏe cho học viên mới của các nhà trường, học viện trong quân đội bao gồm:


- Khám thể lực và khám lâm sàng các chuyên khoa theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ;


- Khám cận lâm sàng (xét nghiệm nhóm máu, chỉ số huyết học, sinh hóa máu; xét nghiệm nước tiểu; siêu âm tổng quát, điện tim, chụp X quang tim phổi).


3. Hướng dẫn nhà mạng điện thoại khi cung cấp dịch vụ


Thông tư 08/2017/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư 17/2016/TT-BTTTT về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; theo đó:


- Đối với dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm), doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi có xác nhận đồng ý của người sử dụng bằng SMS và thông báo lại tới người sử dụng tin nhắn sau:


 “Bạn đã đăng ký thành công “Tên dịch vụ vừa đăng ký”, mã số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.”


Ngoài ra, khi quảng cáo về dịch vụ thì nội dung thông tin phải gồm : tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, cách đăng ký, chu kỳ cước, giá cước, cách từ chối, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.


Thông tư 08/2017/TT-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày 21-9.


4. Hồ sơ tham gia Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam”


Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 21/2017/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và thực hiện Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” sử dụng vốn vay Worldbank.


Theo đó, sửa đổi quy định về hồ sơ đăng ký tham gia Dự án của các đối tượng thuộc gói trợ giúp xã hội hợp nhất như sau:


 - Đối với phụ nữ mang thai: Đơn đăng ký tham gia, Giấy khám thai hoặc Phiếu siêu âm (trong đó ghi rõ họ và tên, năm sinh, địa chỉ của người mang thai, tuổi thai nhi, thời điểm dự kiến sinh) có xác nhận của cơ sở y tế;


- Đối với trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 3 tuổi: Đơn đăng ký tham gia, Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ em hoặc xác nhận của UBND xã (đối với xã đặc biệt khó khăn) về ngày tháng năm sinh của trẻ em vào đơn đăng ký;


 - Trẻ từ 3 tuổi đến 15 tuổi: Đơn đăng ký tham gia, Bản sao giấy khai sinh của trẻ hoặc xác nhận của UBND xã (đối với xã đặc biệt khó khăn) về ngày tháng năm sinh của trẻ em và xác nhận về việc trẻ hiện không đi học vào Đơn đăng ký.


Như vậy, so với quy định hiện hành thì đối tượng là trẻ em thì bổ sung các biện pháp thay thế khi không có bản sao giấy khai sinh.


Thông tư 21/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 22-9.


T. A (Tổng hợp)