11:11, 23/11/2021

Cho bớt muối - Giảm ngay đồ mặn

Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi người bệnh có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận.

Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi người bệnh có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận.


Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch gồm 2 con số, số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Theo Hội Tim mạch Việt Nam, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90mmHg.

 

Tập huấn truyền thông giảm ăn muối cho nhân viên y tế thôn bản.  (ảnh minh họa chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)

Tập huấn truyền thông giảm ăn muối cho nhân viên y tế thôn bản. (ảnh minh họa chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)


Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi người bệnh thấy đau đầu, đau ngực, khó thở khi có cơn tăng huyết áp. Khi bệnh nhân có tổn thương các cơ quan sẽ có các triệu chứng như nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột qụy não). Những người có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp là người có lối sống ít hoạt động thể lực, béo phì, thừa cân, hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý, bệnh thận mạn, bệnh đái tháo đường, hội chứng ngừng thở khi ngủ, có chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn.


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, muối là gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 5 gam muối (một thìa cà phê), nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn. Ở một số vùng miền, nhất là vùng biển, người dân có thói quen ăn mặn. Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, người Việt Nam đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 đến 22 gam mỗi ngày, như vậy lượng muối ăn đã nhiều gấp 3-4 lần so với khuyến cáo. Đây là một trong các yếu tố làm gia tăng tỷ lệ người bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch ở toàn quốc. Bác sĩ Tôn Thất Toàn lưu ý: “Với thói quen, chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp. Khi nước giữ lại trong lòng mạch sẽ liên quan bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ, gây phù, tăng co thắt, kích thích cơn suyễn, liên quan đến ung thư dạ dày. Sự giữ nước sẽ làm tăng thải ion can xi qua thận, tăng nguy cơ loãng xương”.


Theo kết quả các khảo sát của Cục Y tế Dự phòng, người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần thực hiện chế độ ăn giảm muối là có thể điều trị được bệnh. Thay đổi thói quen ăn mặn đối với nhiều người là một việc khó, tuy nhiên đây là hành động rất có lợi cho sức khỏe.


Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để giảm ăn muối cần hạn chế những thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, lạp xưởng, giò chả, đồ hộp, các loại đồ khô mặn, những loại thức ăn nhanh, món ăn công nghiệp; mắm, tương, dưa, cà…trong bữa cơm hàng ngày ở gia đình; giảm thói quen chấm muối, chấm nước mắm mặn khi không thật sự cần thiết. Đồng thời, tăng cường các thực phẩm giàu kali, magie, can xi, các chất chống oxy hóa, chất xơ trong rau cải, cà chua, bầu bí, thơm, cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen…


Người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày từ tất cả các nguồn thức ăn được đưa vào cơ thể qua những bữa ăn hàng ngày (tương đương với một thìa cà phê muối trắng hoặc 1,5 thìa cà phê bột canh hoặc 2 thìa cà phê hạt nêm hoặc 2,5 thìa canh nước mắm hoặc 3,5 thìa canh xì dầu). Đối với trẻ dưới 1 tuổi, không cho gia vị chứa muối vào khi chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ; trẻ từ 1-10 tuổi dưới 2,3-4g muối/ngày; người trên 50 tuổi dưới 3,2g muối/ngày. Bệnh nhân mắc bệnh thận, tăng huyết áp, suy tim ăn giảm muối tùy theo từng trường hợp cụ thể.


Bộ Y tế đã luôn nhấn mạnh thông điệp “Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn” để khuyến cáo mọi người không ăn thừa muối để giúp bảo vệ sức khỏe. Ngay từ hôm nay, hãy thay đổi thói quen ăn thừa muối, đồng thời phổ biến, hướng dẫn người xung quanh để phòng, chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.


NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM