05:11, 03/11/2020

Tích cực phòng, chống sốt xuất huyết ngay từ ngôi nhà của mình

Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh không nên chủ quan vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh sốt xuất huyết thường có 3 giai đoạn: Sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, khi bị sốt xuất huyết (SXH), người bệnh không nên chủ quan vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh SXH thường có 3 giai đoạn: Sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

 

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở hộ dân huyện Diên Khánh. Ảnh: T.Ly

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở hộ dân huyện Diên Khánh. Ảnh: T.Ly


Ở giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh lúc này có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có các biểu hiện thoát huyết tương trong 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to. Nếu tình trạng thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc, người bệnh vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ, đi tiểu ít; có thể xuất huyết dưới da, niêm mạc và nội tạng.


Các dấu hiệu xuất huyết dưới da thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc những mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện như: Chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.


Trường hợp xuất huyết nội tạng hệ tiêu hóa, phổi, não là những dấu hiệu nặng. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân (BN) có thể suy phủ tạng như: Viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Có những trường hợp BN nặng lại không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ ràng, không bị sốc, vì vậy cần cảnh giác để có hướng xử trí kịp thời. Ở giai đoạn hồi phục thường xảy ra 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, khi đó có sự tái hấp thu dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. BN phải được theo dõi chặt chẽ các giai đoạn để có hướng xử trí phù hợp, tiên đoán trước những khả năng xảy ra, nhất là những biến chứng nặng.


Theo kinh nghiệm, thường những BN mắc SXH vật vã, lừ đừ, li bì là những dấu hiệu cảnh báo. Người bệnh đau bụng vùng gan, nôn nhiều, xử lý niêm mạc, đi tiểu ít, những trường hợp này cần phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm các xét nghiệm theo dõi để có chỉ định điều trị kịp thời.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.900 trường hợp mắc bệnh SXH, có 1 trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc SXH cao là: Ninh Hòa hơn 1.400 trường hợp; TP. Nha Trang gần 2.400 trường hợp; Diên Khánh gần 1.200 trường hợp.

BN xuất huyết nặng có triệu chứng chảy máu cam nặng, bị rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ ở phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; BN thường kèm tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu  ôxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng có thể xảy ra ở những BN có sử dụng thuốc aspirin, ibuprofen hoặc dùng thuốc corticoid; BN bị loét dạ dày, tá tràng, có bệnh viêm gan mạn tính.


Bác sĩ Nguyễn Đông lưu ý BN hoặc gia đình có người bị SXH cần đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được điều trị tại nhà, cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, khi có những dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.


Do SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nên biện pháp để phòng, chống SXH hữu hiệu là phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Theo giám sát tại hộ gia đình, hiện nay, có nhiều gia đình vẫn để muỗi sinh sản ở bình hoa cắm cây thần tài, ở các chậu cây tiểu cảnh, các vật dụng chứa nước thải bỏ, vỏ dừa, lốp xe…


Mỗi gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà, ngoài nhà không cho muỗi sinh sản và phát triển. “Hãy phòng, chống SXH tích cực ngay từ ngôi nhà của mình”.


Bác sĩ Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)