Hiện nay, bên cạnh một số bệnh nhân mắc bệnh lao tuân thủ nghiêm việc điều trị, vẫn có một số người không tuân thủ hoặc bỏ điều trị giữa chừng. Điều này dẫn tới người bệnh bị lao kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc, gây khó khăn hơn cho công tác điều trị và phòng, chống lao ở tỉnh.
Hiện nay, bên cạnh một số bệnh nhân (BN) mắc bệnh lao tuân thủ nghiêm việc điều trị, vẫn có một số người không tuân thủ hoặc bỏ điều trị giữa chừng. Điều này dẫn tới người bệnh bị lao kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc, gây khó khăn hơn cho công tác điều trị và phòng, chống lao ở tỉnh.
Phát hiện mắc bệnh lao năm 2019, BN N.V.H (thị xã Ninh Hòa) điều trị được 2 tháng thì bỏ điều trị. Do bỏ điều trị giữa chừng, đầu năm 2020, mẫu xét nghiệm cho thấy BN H. mắc lao kháng thuốc. Mặc dù cán bộ y tế đã tới tận nhà khuyên nhủ, vận động điều trị lại nhưng đến nay, BN H. vẫn không hợp tác.
Tương tự, BN Đ.K.D (26 tuổi, TP. Nha Trang) là lao động tự do, phát hiện mắc bệnh lao năm 2019, BN tham gia điều trị đến tháng thứ 3 thì bỏ điều trị. Sau một thời gian, BN D. được chẩn đoán đã chuyển sang mắc lao kháng thuốc. Được sự vận động của cán bộ y tế, BN có tham gia điều trị lao kháng thuốc nhưng không đều, ít chịu hợp tác.
Đây là 2 trong 3 BN ở tỉnh mắc lao kháng thuốc nhưng không chịu hợp tác điều trị trong năm nay. Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 741 BN lao. Trong đó, 622 ca mắc mới, 76 ca tái phát, 43 lao kháng thuốc các loại. Nguy hiểm hơn, trong số các ca lao kháng thuốc, có 5 ca siêu kháng thuốc chưa điều trị ngày nào. Điều này chứng tỏ, 5 ca này lây nhiễm từ các BN lao siêu kháng thuốc trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, bệnh lao phải điều trị trong thời gian dài liên tục, quá trình điều trị đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc như: Bắt buộc phải phối hợp nhiều loại thuốc chống lao theo phác đồ điều trị; phải dùng thuốc đúng liều chỉ định, đều đặn và vào một giờ nhất định trong ngày; phải dùng thuốc đủ thời gian theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì; thời gian điều trị bệnh ít nhất là 6 tháng đối với những trường hợp lao thông thường. Việc tự ý giảm liều, hoặc không dùng đủ các loại thuốc theo phác đồ điều trị, ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị, điều trị không liên tục... là những nguyên nhân chủ yếu làm vi khuẩn lao kháng lại với thuốc chống lao, hậu quả là người bệnh chuyển sang mắc lao kháng thuốc.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong tổng số 30 nước có số người bệnh lao cao toàn cầu, đứng thứ 13 trong số nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm cả nước có khoảng 126.000 BN mắc lao mới và 13.000 người chết do lao. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó, nhưng lao kháng thuốc, đặc biệt lao siêu kháng thuốc là nguyên nhân quan trọng hàng đầu. |
Lao kháng thuốc hết sức nguy hiểm, được chia làm nhiều loại, lao kháng đơn thuốc, kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc…. Điều trị lao kháng thuốc rất khó, phức tạp, thời gian kéo dài mà tiên lượng điều trị thường xấu hơn nhiều so với người mắc lao thông thường. Bình thường, người bệnh lao chỉ cần điều trị trong 6 tháng, thì lao kháng thuốc, với phác đồ tiên tiến nhất cũng phải mất đến 9 tháng. Tai hại hơn, lao siêu kháng thuốc phải điều trị tới 20 tháng với những thuốc có độc tính tương đối cao, người bệnh phải chịu hàng loạt tác dụng phụ của thuốc, tổn hại nhiều đến sức khỏe. Về chi phí, điều trị lao kháng thuốc cực kỳ tốn kém, cao gấp hàng chục lần so với điều trị lao thông thường.
Năm 2014, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh triển khai điều trị lao kháng thuốc với phác đồ điều trị 20 tháng, tỷ lệ điều trị khỏi đạt gần 84%. Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, tỉnh được hỗ trợ thêm phác đồ điều trị mới với thời gian rút ngắn còn 9 tháng, nguồn thuốc được nhập từ châu Âu do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ. Tổng trị giá cho liệu trình điều trị khoảng 600 triệu đồng, người bệnh được hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn. Ở phác đồ điều trị mới, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 95 - 100%, đã có nhiều BN lao kháng thuốc ở tỉnh đã được điều trị khỏi.
Bác sĩ Tài cảnh báo: “Người bị lao kháng thuốc cần hiểu rằng, họ là nguồn lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị, hoặc họ bỏ điều trị giữa chừng. Do vậy, để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, người bệnh lao kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cả cộng đồng”.
C.Đan