Theo Nghị định 22 của Chính phủ, các địa phương phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thẩm quyền của tỉnh, nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân, tỉnh vẫn chưa tổ chức được phiên đấu giá nào.
Theo Nghị định 22 của Chính phủ, các địa phương phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thẩm quyền của tỉnh, nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân, tỉnh vẫn chưa tổ chức được phiên đấu giá nào.
7 năm chưa đấu giá lần nào
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá sẽ cắt bỏ cơ chế “xin - cho” trong hoạt động khoáng sản, tạo sự minh bạch và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Những năm qua, thực hiện Nghị định 22 của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Sở TN-MT đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan và các văn bản về Luật Khoáng sản hàng năm cho cấp huyện, cấp xã và doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các văn bản, kế hoạch để thực hiện Nghị định 22, lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, có Nghị quyết 18 (ngày 19-12-2015) của HĐND tỉnh về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (nghị quyết này hết hiệu lực từ ngày 1-1-2017 theo quy định của Luật Phí và lệ phí nên phí đấu giá quyền khai thác khoáng sản bị hủy bỏ); Quyết định 101 (ngày 9-1-2018) về nội quy đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh; Quyết định 3385 (ngày 7-11-2018) phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh năm 2019. Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng đã đăng Quyết định 3385 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở TN-MT, giai đoạn 2012 - 2017 do chính sách liên tục thay đổi nên các văn bản ban hành đành phải hủy bỏ hay hết hiệu lực. Mặt khác, thực hiện Kế hoạch số 3098 (ngày 3-4-2018) của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 10 (ngày 18-12-2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018 đến nay, tỉnh không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép mới hoạt động khoáng sản. Do vậy, công tác đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản đến nay vẫn chưa thực hiện.
Chuẩn bị phiên đấu giá đầu tiên
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trong năm 2020. Theo đó, mục tiêu là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với kinh tế thị trường theo Luật Khoáng sản; tăng cường quản lý tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu tác động môi trường. Toàn tỉnh có 4 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: Cát sông Suối Dầu (đoạn Suối Hiệp) trữ lượng 625.000m3; đất san lấp Cam Phước Tây 3 triệu m3; đất san lấp Diên Điền 3,2 triệu m3 và cát Ninh Sơn 37.000m3.
Kế hoạch đấu giá được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Sở TN-MT. UBND tỉnh giao Sở TN-MT thông báo công khai danh mục có khoáng sản đấu giá, tiềm năng, thông tin về đấu giá; lựa chọn đơn vị tư vấn đánh giá trữ lượng; thành lập Hội đồng đấu giá; lựa chọn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp… Kế hoạch cũng xác định trên địa bàn tỉnh có 6 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp được công nhận gồm: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Khánh Hòa; Chi nhánh Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Trung Nam; Công ty Đấu giá hợp danh Thiên Long; Chi nhánh Công ty đấu giá hợp danh Sài Thành tại Khánh Hòa; Chi nhánh Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Gia tại Khánh Hòa và Chi nhánh Công ty đấu giá hợp danh Đông Đô tại Khánh Hòa.
Theo ông Hoàng Anh Hào - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước - Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT), đây là lần đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản đầu tiên của tỉnh nên kế hoạch triển khai rất bài bản. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá, Sở TN-MT đang phối hợp với các sở, ngành thực hiện theo chỉ đạo.
V.L