UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường và kè từ cầu Huyện đến cầu đường sắt (thị trấn Vạn Giã) nhằm tạo cảnh quan môi trường, hoàn thiện hạ tầng giao thông và quỹ đất phát triển cho địa phương.
UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường và kè từ cầu Huyện đến cầu đường sắt (thị trấn Vạn Giã) nhằm tạo cảnh quan môi trường, hoàn thiện hạ tầng giao thông và quỹ đất phát triển cho địa phương.
Bức thiết phải đầu tư
Từ nhiều năm nay, dọc sông Chà Là, tình trạng sạt lở, xâm thực diễn biến khá phức tạp. Một số hộ sống ven sông đã kè để bảo vệ đất của mình tránh bị xâm thực. Tuy nhiên, nhiều hộ không có tiền làm kè nên đất đai bị mất dần. Một người dân sống ven sông Chà Là cho hay, vào mùa nước lũ dâng cao ngập vào nhà, sinh hoạt hết sức khó khăn, bất tiện. Sau mỗi đợt lũ đi qua, đất đai lại bị cuốn trôi. Nhiều năm qua, người dân liên tục kiến nghị chính quyền xây kè nhưng chưa được đáp ứng.
Mới đây, UBND huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường và kè từ cầu Huyện đến cầu đường sắt. Theo đó, điểm đầu dự án phía tây bắc, giáp với cầu đường sắt bắc - nam, điểm cuối phía đông nam giáp với đường Nguyễn Huệ tại vị trí cầu Huyện. Chiều dài toàn tuyến dự án gần 470m. Mặt đường cắt ngang theo quy hoạch được phê duyệt, chỉ giới đường đỏ là 13m, mặt đường 7m, vỉa hè mỗi bên 6m. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 23 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 15 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện, khu vực triển khai tuyến đường đi qua ao, đìa có địa chất xấu nên phải tính toán kỹ lưỡng. Cụ thể, phía sông Chà Là, để ổn định cho mái taluy nền đường và ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo vệ khu đất phía trong bờ khỏi bị tác động xâm thực, đơn vị thi công sẽ làm các tấm bê tông đúc sẵn, trên có đệm đá dăm và trải vải địa kỹ thuật ngăn cách lớp cát và lớp đệm đá. Đồng thời, thiết kế chân khay dọc theo chân taluy bằng bê tông đúc sẵn, bên trên bố trí đà kiểng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, phía trong và ngoài chân khay đắp đá hộc gia cố.
Ngoài ra, giải pháp thoát nước cũng được tính toán do khu vực triển khai dự án có địa hình phức tạp. Theo phương án thiết kế, việc thoát nước cho khu vực bằng các đường cống hộp từ Quốc lộ 1 về tuyến đường. Vì vậy, giải pháp sẽ là xây dựng cống hộp nối từ đường hiện hữu tại đường số 3 theo quy hoạch qua khu ao đìa bằng tuyến đường xây dựng để đón nước mưa, sau đó cho thoát ra sông Chà Là. Để tạo cảnh quan môi trường cho tuyến đường, hai bên vỉa hè sẽ được trồng cây xanh; lắp đặt 15 vị trí cột đèn Led chiếu sáng toàn tuyến.
Hồ sơ thiết kế đã hoàn tất
Ông Nguyễn Phương Phai - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết, việc triển khai xây dựng tuyến đường dọc sông Chà Là rất cấp thiết, tuy nhiên hiện nay, kinh phí địa phương còn hạn hẹp, trong khi suất đầu tư lớn nên chỉ triển khai được một đoạn. Sau khi xây dựng đưa vào khai thác, tuyến đường này sẽ ngăn được tình trạng sạt lở, bảo vệ khỏi tác động xâm thực, bảo vệ môi trường và người dân sinh sống dọc sông Chà Là. Không chỉ vậy, việc triển khai tuyến đường này còn tạo điều kiện để khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất khu vực ven sông Chà Là trên địa bàn thị trấn Vạn Giã; tạo cảnh quan môi trường khang trang hơn, hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị. Dự án được triển khai năm 2019, đến thời điểm này các bước lập hồ sơ thiết kế dự án đã hoàn tất. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thi công, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Quá trình triển khai dự án có khoảng 10 gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đất thu hồi chủ yếu là đất vườn và được người dân rất đồng thuận. Kinh phí bồi thường giải tỏa hơn 2,5 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách tỉnh hỗ trợ chương trình phát triển đô thị và ngân sách của địa phương.
THÀNH NAM