Hiện nay, rác tồn đọng rất nhiều ở khu vực biển và ven biển TP. Cam Ranh, ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe người dân và nghề nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, rác tồn đọng rất nhiều ở khu vực biển và ven biển TP. Cam Ranh, ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe người dân và nghề nuôi trồng thủy sản.
Rác ở khắp nơi
Đi dọc theo khu dân cư ven biển từ phường Cam Nghĩa đến Cam Linh, chúng tôi thấy hầu như khu vực nào cũng ngập rác. Rác do sóng biển đánh vào, hoặc do người dân thải ra nhưng không được thu gom, xử lý kịp thời. Tại Cam Nghĩa, rác dập dềnh theo sóng nước, nhất là khu vực cầu Long Hồ. Tại tổ dân phố Phú Hải (phường Cam Phú) rác ngập các đìa nuôi, không chỉ có túi ni-lông mà còn có cả nệm mút, bàn ghế, thùng xốp, xà bần, lồng nuôi...
Mới đây, theo chân đoàn kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản của phường Cam Phúc Nam, chúng tôi có dịp chứng kiến các kiểu xả rác của cư dân trên biển. Ông Lê Xuân Thuận (tổ dân phố Phúc Hải) cho biết, hiện nay, việc thải rác xuống biển phụ thuộc vào lượng bao bì đựng thức ăn nuôi hải sản. Thức ăn nuôi tôm hùm đựng trong túi lưới, sử dụng nhiều lần nên không vứt xuống biển. Nhưng thức ăn nuôi cá, chủ yếu là cá tạp đựng trong túi ni lông, nên sau khi dùng xong người dân tự ý quăng xuống biển.
Theo ông Châu Thanh Hải - chủ bè nuôi trong khu vực, chính ông cùng những người làm công từng vất vả vớt rác là bao bì, túi ni-lông trôi tới bè của mình. Nhưng rồi, ông cũng xả rác xuống biển vì nhận thấy công việc của mình không khác gì… dã tràng. Theo quan sát của chúng tôi, các khu vực nuôi tôm hùm nước biển vẫn sạch, trong khi đó tại các lồng bè nuôi cá màu nước rất xấu, bốc mùi tanh, rác lềnh bềnh.
Cần chỉ đạo tổng vệ sinh
Theo ông Nguyễn Giọng - Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Hải (phường Cam Thuận), rác ven biển được Đoàn Thanh niên xã thu gom hàng quý, tổ dân phố thu gom hàng tháng.Trong khi đó, một người dân địa phương cho biết, từ năm ngoái đến nay chỉ thấy một lần phường phối hợp với bộ đội Hải quân Vùng 4 tổ chức thu gom rác. Còn người dân phường Cam Phú phản ánh không thấy chính quyền tổ chức thu gom rác dọc bờ biển nên không biết đổ rác ở đâu?
Được biết, hiện nay, trên địa bàn các phường nội thị Cam Ranh chưa có nơi nào tổ chức thu gom rác trên biển và ven biển, chỉ riêng xã đảo Cam Bình làm được điều này. Ông Diệp Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã đảo Cam Bình cho biết, trước đây, Cam Bình là “điểm nóng” rác thải trên biển và ven biển nhưng nhờ thành lập các đội thu gom rác, lượng rác đã giảm hơn 70%.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Cam Ranh cho biết, tại các khu dân cư ven biển, thành phố đã chỉ đạo tổ chức thu gom rác, nhưng do ý thức của người dân còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng xả rác ra biển. Thành phố, các xã, phường thường xuyên tuyên truyền đến các khu dân cư nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng này. Mới đây, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành kế hoạch quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nhân dân vùng nuôi thực hiện thu gom, xử lý chất thải, không đổ xuống biển.
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, tình hình rác thải hiện nay tại khu vực biển và ven biển TP. Cam Ranh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nguồn lợi thủy sản. Hàng năm, thành phố đều xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức dọn vệ sinh 1 lần/quý; đối với xã, phường tổ chức 1 lần/tháng; thôn, tổ dân phố tổ chức 2 lần/tháng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường ven biển tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi trồng thủy sản thu gom túi ni-lông, túi đựng thức ăn cho tôm, cá, đưa về các điểm tập kết trên đất liền để xử lý. Bên cạnh đó, tiếp tục thu gom rác thải ven biển không để tồn đọng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường…
P.LÂM