Theo quy hoạch, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) sẽ trở thành khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh với điểm nhấn là trung tâm dịch vụ du lịch ven biển kết hợp giữa đường bộ và đường thủy, cung cấp dịch vụ hậu cần cho bán đảo Hòn Gốm.
Theo quy hoạch, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) sẽ trở thành khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh với điểm nhấn là trung tâm dịch vụ du lịch ven biển kết hợp giữa đường bộ và đường thủy, cung cấp dịch vụ hậu cần cho bán đảo Hòn Gốm.
Ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch
Đại Lãnh là xã cửa ngõ phía bắc tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Phú Yên; điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thành một khu trung tâm dịch vụ với nhiều giá trị độc đáo. Tại đây, đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng như: hầm đèo Cả, cảng cá Đại Lãnh, kè biển… Các dự án này có tác động tích cực đến việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực của huyện Vạn Ninh và xã Đại Lãnh… Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc biệt, Đại Lãnh đã trở thành một trung tâm dịch vụ và đã được công nhận là đô thị loại V. Tuy nhiên hiện nay, việc đầu tư phát triển tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, cần được sắp xếp quy hoạch lại một cách khoa học.
Cuối năm 2017, huyện Vạn Ninh tổ chức công bố quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm đô thị Đại Lãnh. Theo đó, khu vực thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm đô thị Đại Lãnh có diện tích 103,08ha. Với ý tưởng quy hoạch địa phương này trở thành trung tâm dịch vụ du lịch ven biển, tận dụng lợi thế vị trí khá riêng biệt và dải bờ biển có giá trị về cảnh quan để phát triển một khu phố biển với hình thái kiến trúc cảnh quan thân thiện với môi trường. Từ đó, hình thành trung tâm đô thị rõ nét, tạo ra các không gian mặt tiền có giá trị kinh tế thương mại, dịch vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường sống thông qua việc bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng và các không gian mở công cộng. Không chỉ vậy, Đại Lãnh có vị trí gần với bán đảo Hòn Gốm, có vai trò tích cực trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần cho quá trình phát triển trên bán đảo.
Trung tâm đô thị đa chức năng
Việc tiếp cận không gian hướng tuyến phát triển đô thị ra ven biển cũng được chú trọng. Hiện nay, không gian này hầu như chưa được khai thác tốt trong hoạt động đô thị, do dải bờ biển bị che lấp bởi các khu dân cư hiện hữu mật độ xây dựng cao. Để khai thác dải bờ biển, cần tăng cường và chỉnh trang các hướng tiếp cận ra biển, mở một số tuyến đường chính và cải tạo khu hiện trạng.
Ngoài khu vực trung tâm đô thị hiện hữu (thôn Tây Bắc 1), đô thị Đại Lãnh được quy hoạch thêm hai trung tâm chính gồm: khu vực ven vịnh đến Quốc lộ 1 và khu vực ven suối Ba Ra phía tây bắc. Chức năng chính trong các tuyến phố trung tâm này là thương mại, dịch vụ, đan xen với nhà ở hoặc kết hợp làm dịch vụ. Các trung tâm này cũng là yếu tố chính quyết định bản sắc đô thị, gắn với hệ thống không gian mở, đặc biệt là các quảng trường.
Đối với trung tâm ven biển, đây là làng chài lâu đời, cần được cải tạo và nâng cấp theo cấu trúc không gian đặc trưng hiện trạng, khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng. Đồng thời tổ chức đường dạo kết hợp với đường kè và các sân nhỏ dạng vỉa hè mở rộng ở ven biển. Mở rộng tối đa khả năng tiếp xúc với không gian ven mặt nước, biến không gian ven biển thành mặt tiền mới của đô thị. Hiện nay, mạng lưới giao thông trong khu vực làng chài rất dày và nhỏ hẹp nên cần nâng cấp, mở mới một số tuyến đường chính rộng rãi, thông thoáng hơn cho giao thông cơ giới tiếp cận với không gian ven biển.
Với khu trung tâm đô thị ven suối Ba Ra, xây dựng đường giao thông chính kết hợp với cảnh quan ven suối tạo mặt tiền mới cho đô thị. Khu trung tâm Đại Lãnh chỉ còn nơi đây còn quỹ đất mới để phát triển đô thị nên cần được xây dựng khang trang, hiện đại. Chức năng chính của khu vực này là nhà ở, dịch vụ và thương mại. Một số vị trí lùi về phía tây có thể bố trí hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp sạch như: chế biến, sản xuất các sản phẩm thủy hải sản.
Còn lại khu trung tâm đô thị từ Quốc lộ 1 hiện nay đến đường sắt sẽ được quy hoạch thành phố dịch vụ gồm: nhà hàng, khách sạn, trung tâm buôn bán, thương mại giới thiệu sản phẩm kết hợp với chức năng ở. Khu vực này khuyến khích sử dụng hình thức công trình đơn giản, hiện đại.
Theo đánh giá của huyện Vạn Ninh, đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm đô thị Đại Lãnh đã khớp nối với các dự án trong khu vực về không gian kiến trúc cũng như hạ tầng kỹ thuật; đồ án đã đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò trung tâm đô thị của khu vực thiết kế, đặc biệt là các giải pháp khai thác cảnh quan ven biển, hình thành những khu trung tâm mới của đô thị. Các giải pháp quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và thân thiện với môi trường, song vẫn đảm bảo đô thị hoạt động hiệu quả.
THÀNH NAM