Không có hệ thống thu gom nước thải, người dân ở Khu tái định cư (TĐC) Đất Lành liên tục phản ánh vì môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
Không có hệ thống thu gom nước thải, người dân ở Khu tái định cư (TĐC) Đất Lành liên tục phản ánh vì môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
Đổ hết ra đường
Thời điểm hiện tại, tuy nắng khô hanh nhưng một số tuyến đường ở Khu TĐC Đất Lành nước vẫn chảy lênh láng. Nhiều đoạn đường, nước thải sinh hoạt đọng lại đen kịt thành vũng, bốc mùi hôi thối. Bà Nguyễn Thanh Hiệp (ô 36, lô 5) bức xúc: “Chúng tôi chuyển đến đây đã 3 năm, nhưng cả khu này không hề có hệ thống thu gom nước thải. Các gia đình cứ xả thẳng nước thải ra đường khiến mùi hôi bốc lên rất khó chịu”. Bà Hiệp còn phản ánh, vào các buổi chiều, đa số đàn ông ở đây đều ra ngoài đường để tắm; rồi thì rửa chén, rửa xe cũng đem hết ra đường... nên nước mới chảy lênh láng khắp nơi.
Nước sinh hoạt được xả thẳng ra đường. |
Thực tế, cơ sở hạ tầng Khu TĐC Đất Lành chưa đáp ứng được đời sống của người dân. Trong khi đó, nền đất ở khu này chủ yếu là đá và đất sét nên hệ thống hầm vệ sinh và nước thải của các hộ dân ở đây không tự rút được, liên tục bị nghẹt. Gia đình có tiền thì cách vài tháng lại thuê xe hút hầm, còn gia đình không có điều kiện thì đành đưa toàn bộ nước sinh hoạt ra ngoài đường; phần hầm chứa chỉ sử dụng cho việc đi vệ sinh.
Ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với thành phố về vấn đề này. Hiện Khu TĐC Đất Lành đang có 500 hộ dân sinh sống, mới đây có thêm hơn 100 hộ dân từ khu vực đồi Trại Thủy (phường Phương Sơn) đến TĐC nên tốc độ xây dựng rất lớn, làm vấn đề nước thải ở đây càng bức bách”.
Còn nhiều băn khoăn
Trước những kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, UBND TP. Nha Trang đã giao Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng Nha Trang (BQLDA Nha Trang) làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tại Khu TĐC Đất Lành trong phạm vi hơn 19ha.
Theo ông Nguyễn Thành Vân - Phó Giám đốc BQLDA Nha Trang, hiện hệ thống này đã bắt đầu triển khai. Dự kiến đến tháng 8 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Nguyên nhân Khu TĐC Đất Lành chậm có hệ thống thu gom nước thải là do năm 2002, khi thành lập Khu TĐC thì chưa có các quy định về vấn đề nước thải. Sau này mới phát sinh vấn đề về môi trường nên năm 2014, UBND thành phố giao cho BQLDA Nha Trang làm chủ đầu tư. “Khi hoàn thành, nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình sẽ được đấu nối vào hệ thống. Sau đó, toàn bộ nước thải được gom về một điểm và xả ra sông Tắc cùng với hệ thống nước thải chung của Khu TĐC” - ông Vân nói.
Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến quan ngại xung quanh việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Bởi toàn bộ nước thải được thu gom không qua xử lý mà đổ thẳng ra sông, làm như vậy sẽ tiếp tục tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi trường ở một khu vực khác. Hệ thống thu gom mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Nói chính xác hơn là đem ô nhiễm môi trường từ nơi này đến nơi khác. Mặc dù việc đấu nối nước thải được quy định là nước sinh hoạt đã qua quá trình xử lý ở hầm chứa, lắng, lọc... của các hộ gia đình, song việc xử lý ban đầu mới chỉ đơn thuần làm giảm chất cặn bã, còn các thành phần khác trong nước thì vẫn còn. Do đó, nếu không xây dựng một nhà máy xử lý nước thải ở khu vực này, vấn đề ô nhiễm môi trường chắc chắn vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Minh Hùng (lô 6) lo ngại: “Nếu có hệ thống thu gom nước thải nhưng không có nhà máy xử lý thì vấn đề ô nhiễm còn trầm trọng hơn. Lúc đó, những địa điểm gần cửa xả cuối cùng sẽ hứng chịu mùi hôi thối”. Khi được hỏi, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cũng cho rằng, việc nước thải chỉ thu gom rồi đổ ra sông Tắc là không ổn. Nếu không đấu nối hệ thống thu gom nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải phía Nam thành phố được thì cần phải có một phương án khác khả thi hơn mới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở Khu TĐC Đất Lành.
Đình Lâm