Từ một trường đầu ngành về thủy sản, sau 61 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nha Trang đã phát triển thành trường Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, 2 lần đạt chuẩn kiểm định chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
Từ một trường đầu ngành về thủy sản, sau 61 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học (ĐH) Nha Trang đã phát triển thành trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, 2 lần đạt chuẩn kiểm định chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
Phát triển thành trường đại học đa lĩnh vực
Thực hiện kế hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến nay, Trường ĐH Nha Trang đã thực sự trở thành trường ĐH đa lĩnh vực, với các lĩnh vực đào tạo chính là: Thủy sản, kỹ thuật, kinh tế - kinh doanh, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, du lịch và luật. Nhà trường hiện có 33 ngành đào tạo trình độ ĐH; 18 ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trong đó có 3 chương trình cao học quốc tế, 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô hơn 15.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cả nước cũng như thế mạnh của nhà trường, lĩnh vực thủy sản luôn được trường quan tâm đầu tư. Trường là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành Quản lý thủy sản (trình độ ĐH và thạc sĩ). Đến nay, nhà trường vẫn là cơ sở duy nhất đào tạo đầy đủ các ngành trong lĩnh vực thủy sản, từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, thực phẩm, công nghệ sinh học đến kinh tế, quản lý thủy sản.
Lĩnh vực kỹ thuật cũng được Trường ĐH Nha Trang quan tâm, đầu tư từ rất sớm. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 11 ngành trong lĩnh vực này, từ cơ khí, giao thông, xây dựng đến điện, điện tử. Nhằm nâng tầm các ngành kỹ thuật, nhà trường đã và đang thực hiện chuyển đổi các ngành từ nhóm công nghệ kỹ thuật sang kỹ thuật, tiến tới tổ chức đào tạo chuyên sâu để cấp bằng kỹ sư, cũng như từng bước đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành còn lại. Với kinh nghiệm và quy mô đào tạo hiện tại, nhà trường là một trong những cơ sở đào tạo về kỹ thuật lớn trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Lĩnh vực kinh tế - kinh doanh cũng là lĩnh vực lớn của nhà trường, với 7 ngành đào tạo. Đây là lĩnh vực thu hút nhiều sinh viên trình độ ĐH cũng như trình độ thạc sĩ và ngày càng chứng tỏ chất lượng, uy tín trong đào tạo. Các ngành đào tạo trong các lĩnh vực mới gồm: Công nghệ thông tin, ngoại ngữ, luật và đặc biệt là du lịch có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Việc nhà trường mở ra các lĩnh vực đào tạo này đã đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương và khu vực, nhiều ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo ở mức cao (trên 90%).
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang cho biết, mục tiêu của nhà trường trong thời gian tới là phát triển đào tạo gắn chặt với nhu cầu nguồn nhân lực, phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực khoa học thủy sản và kinh tế biển ngang tầm Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường sẽ tiếp tục định kỳ đánh giá, cải tiến toàn diện chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, các chuẩn chương trình đào tạo trong nước và khu vực trên cơ sở khảo sát, phân tích kỹ lưỡng nhu cầu của các bên liên quan.
Những năm gần đây, cơ sở vật chất, nguồn học liệu tiếp tục được Trường ĐH Nha Trang quan tâm đầu tư. Đội ngũ giảng viên cũng là thế mạnh của trường. Trong 61 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có 33 cán bộ giảng dạy được phong hàm giáo sư, phó giáo sư; 21 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú… Đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 65.000 kỹ sư, cử nhân, 90 tiến sĩ và hơn 3.000 thạc sĩ. |
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tập trung hoàn chỉnh, đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của mô hình giáo dục dựa trên kết quả đầu ra, trong đó tạo sự chuyển biến về phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá nhằm phát triển tính chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp và trách nhiệm của người học. Việc áp dụng công nghệ số trong dạy học và dạy học truyền thống kết hợp trực tuyến sẽ được áp dụng trong toàn bộ hệ thống đào tạo của nhà trường.
Song song với việc mở thêm các ngành trong các lĩnh vực đã có, trường sẽ tiếp tục mở các chương trình đào tạo song ngành, đa ngành và liên ngành ở trình độ ĐH và sau ĐH trên cơ sở kết hợp lĩnh vực kinh tế - quản lý với lĩnh vực thủy sản, kỹ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, du lịch hay luật như: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý thông tin, quản lý du lịch, thương mại điện tử... Nhà trường cũng sẽ đầu tư phát triển thêm các chương trình đào tạo theo mô hình tiên tiến - chất lượng cao, đào tạo một phần hoặc toàn phần bằng tiếng nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Theo kế hoạch, đến năm 2025, trường sẽ có 100% các ngành đào tạo hoàn thành tự đánh giá, ít nhất 50% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước. Một số chương trình đào tạo trong lĩnh vực thủy sản và kinh tế biển sẽ được lựa chọn để đánh giá theo chuẩn AUN-QA (được ban hành bởi Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á).
Kim Dung