Với niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ của thầy cô giáo, hai em Võ Lê Mai Anh và Nguyễn Thanh Hoàng, lớp 10C8, Trường iSchool Nha Trang đã mày mò thiết kế "Hệ thống điều khiển thiết bị điện hỗ trợ người khuyết tật".
Với niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ của thầy cô giáo, hai em Võ Lê Mai Anh và Nguyễn Thanh Hoàng, lớp 10C8, Trường iSchool Nha Trang đã mày mò thiết kế “Hệ thống điều khiển thiết bị điện hỗ trợ người khuyết tật”.
Mai Anh và Thanh Hoàng chia sẻ, do từng chứng kiến cuộc sống khó khăn của những người khuyết tật, các em mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể điều khiển được các thiết bị điện trong gia đình ở những vị trí khác nhau mà không cần phải di chuyển. Đồng thời, cho phép kiểm tra được tình trạng tắt, mở của các thiết bị điện, điều khiển độc lập cả công tắc vật lý và ứng dụng từ xa, giám sát và điều khiển ngay khi rời khỏi nhà.
Giải pháp đầu tiên nhóm đưa ra là sử dụng server cho phép người sử dụng kết nối trực tiếp với hộp điều khiển thông qua wifi. Vì thế, cả hệ thống khá gọn nhẹ, lập trình đơn giản, không cần thêm máy chủ trung gian. Tuy nhiên, để giám sát và điều khiển khi người sử dụng ra khỏi nhà đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật khác. Sau 1 năm mày mò, nghiên cứu và thử nghiệm, Mai Anh và Thanh Hoàng đã hoàn thành sản phẩm, gồm một hộp xử lý để điều khiển tắt, mở các thiết bị điện, web server đóng vai trò trung gian liên kết đến điện thoại Android thông qua mạng Internet và một ứng dụng trên điện thoại dùng để giám sát và điều khiển thiết bị điện từ xa.
Theo thầy Võ Duy Phương, giáo viên hướng dẫn dự án, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao so với các sản phẩm có mặt trên thị trường ở những ưu điểm nổi bật như: có tính thẩm mỹ, nhỏ gọn, số lượng thiết bị điều khiển nhiều hơn, giá thành rẻ. Sản phẩm cũng có thể phát triển các ứng dụng cho nhà thông minh, đặc biệt không can thiệp sâu vào hệ thống điện đã có sẵn. Số lượng thiết bị điều khiển được mở rộng tùy ý không giới hạn.
Được biết, dự án trên đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 và là 1 trong 10 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2018. Cùng với các bạn khác trong nhóm, các em đã thực hiện tất cả các bước để phát triển dự án thành một sản phẩm thương mại. Nhóm vẫn đang tiếp tục mày mò tìm hướng phát triển, hoàn thiện sản phẩm, trước hết là tích hợp hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói.
Thầy Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường iSchool Nha Trang cho biết: “Sản phẩm trên được đầu tư xuất phát từ thế mạnh của nhà trường là công nghệ thông tin. Các học sinh đã tích hợp kiến thức được học để đưa vào một sản phẩm nhằm ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, chương trình giáo dục của nhà trường có nội dung nhằm giúp học sinh đưa những ý tưởng vào thực tiễn, ví dụ như tổ chức công ty, quảng bá sản phẩm của mình để đưa tới người tiêu dùng. Nhà trường sẽ tiếp tục cùng các thầy cô tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh phát triển các ý tưởng, dự án mới để tạo ra các sản phẩm có ích phục vụ cho cộng đồng”.
H.NGÂN