Chiều 17-5, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Lễ đón tàu Viện sĩ Oparin đến Nha Trang trong chương trình hợp tác nghiên cứu biển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Buổi lễ được kết nối trực tuyến với các điểm cầu Hà Nội, Moscow và Vladivostok (Nga). Tham dự buổi lễ có Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đầu cầu Hà Nội), ông Konstatin Mogilevsky - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga cùng lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tại điểm cầu Nha Trang, tham dự buổi lễ, có ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đại diện Lãnh sự quán Nga tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo Viện Hải dương học và các sở, ngành của tỉnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng tặng quà lưu niệm và hoa cho Thuyền trưởng Tàu Viện sĩ Oparin và chỉ huy trưởng các nhà khoa học Nga |
Phát biểu trực tuyến từ thủ đô Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cho biết, từ năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã ký kết chương trình hợp tác về khảo sát Đa dạng sinh học và hóa sinh trên vùng biển thềm lục địa Việt Nam; sử dụng tàu Viện sĩ Oparin của Nga để khảo sát. Chuyến đi đến Nha Trang lần này của tàu Viện sĩ Oparin, khởi động cho chuyến khảo sát lần thứ 4 trong “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa hai viện, đồng thời là chuyến khảo sát thứ 8 bằng con tàu này tại vùng biển Việt Nam. “Chuyến khảo sát lần thứ 8 này mang ý nghĩa quan trọng vì đây hoạt động đầu tiên thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm vừa được thông qua tại Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban Liên Chính phủ Việt - Nga vào tháng 4-2023 vừa qua cũng như góp phần triển khai hiệu quả Biên bản Khóa họp 24 giữa Chính phủ hai nước”, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh nhấn mạnh.
Đại biểu dự lễ đón tàu Viện sĩ Oparin tại Cảng Nha Trang |
. Phát biểu từ Moscow, ông Konstatin Mogilevsky - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga đánh giá cao quá trình hợp tác dài lâu giữa hai Viện Hàn lâm, đặc biệt nội dung hợp tác về khoa học biển đã được hai Viện Hàn lâm thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, và bày tỏ sự ủng hộ hai Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai Lộ trình hợp tác đã ký tới năm 2025 và phát triển hợp tác trong tương lai; góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đất nước.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa bày tỏ vinh dự khi TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được lựa chọn là điểm cập bến của tàu Viện sĩ Oparin lần này, đồng thời gửi lời chào nồng nhiệt tới toàn thể các nhà khoa học và thủy thủ đoàn Nga đã vượt biển Thái Bình Dương cập cảng Nha Trang để bắt đầu chuyến khảo sát trên vùng biển Việt Nam lần thứ 8 trong lộ trình hợp tác giữa hai viện. Ông Hoàng khẳng định, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng phải mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường sự hiện diện của lực lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam và cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học quốc tế tham gia khảo sát nghiên cứu trên Biển Đông và quảng bá khoa học biển Việt Nam trên trường quốc tế. Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học hai nước trước đó đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát tại vùng biển Việt Nam. Trong đó, các nhà khoa học đã tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển... khai thác ở độ sâu hàng trăm m trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau; thu thập hàng trăm mẫu vật trên Biển Đông.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học tham gia chuyến khảo sát bằng tàu Viện sĩ Oparin. |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, từ năm 2005 tới nay, Viện Hải dương học đã vinh dự lần thứ 4 đón tàu Viện sĩ Oparin cập cảng, khởi đầu cho những chuyến khảo sát giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Đây cũng là lần thứ 4 Viện Hải dương học được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tin tưởng giao trọng trách chủ trì phía Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo sát. "Viện Hải dương học nhận thức rất rõ đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển của Viện Hải dương học nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung; đặc biệt các Lãnh đạo Viện Hải dương học trong những năm gần đây đều đã trưởng thành từ những chuyến khảo sát Oparin chung này. Chuyến khảo sát lần này một lần nữa thắt chặt những hoạt động nghiên cứu chung và tình hữu nghị giữa các nhà khoa học Việt - Nga, các nhà khoa học hai Viện Hàn lâm", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà chia sẻ.
Tàu Viện sĩ Oparin đến Nha Trang để chuẩn bị cho chuyến khảo sát tại các vùng biển Việt Nam. |
Tàu Viện sĩ Oparin (hạ thủy năm 1985) dài 75,5m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho khoảng 40 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ. Tàu còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu. Sau khi kết thúc buổi lễ và hoàn thiện công tác hậu cần, tàu Viện sĩ Oparin sẽ nhổ neo ra khơi mang theo gần 40 nhà khoa học thuộc các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Nga và Việt Nam đi khảo sát trong khoảng 1 tháng tại các vùng biển thềm lục địa Việt Nam.
XUÂN THÀNH
.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin