Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chuyển đổi hàng trăm héc ta cây trồng
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, thời tiết khá thuận lợi cho người dân sản xuất, gieo trồng, nhưng giá một số nông sản như mía, mì thấp nên giai đoạn hiện nay, người dân đã dần chuyển diện tích sang trồng các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, ổn định hơn. Năm 2021, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả đạt 61ha/101ha kế hoạch đề ra; không có diện tích sản xuất bỏ vụ.
Nhằm tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa về cơ cấu kinh tế, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của địa phương, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất cho người dân, thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã ban hành nhiều kế hoạch phát triển nông nghiệp với mục tiêu cụ thể để triển khai đến năm 2025. Trong đó, kế hoạch chuyển đổi cây trồng đến năm 2025 được triển khai trên 14 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích chuyển đổi giai đoạn 2021 - 2025 là 482ha. Nội dung này sẽ thực hiện đồng bộ với kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025. Theo đó, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu đến năm 2025, có 300ha cây ăn quả trở lên sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 5 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng gồm các xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Thành; tổng diện tích gieo trồng đạt 7.927ha.
Xây dựng các mô hình sản xuất tập trung
Trong chăn nuôi, địa phương xác định phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung theo hình thức trang trại ở các xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Thượng; chăn nuôi bò tập trung và vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò tập trung tại xã Khánh Hiệp, đồng thời phát triển hình thức gia trại tại 13 xã đảm bảo tiêu chuẩn ngành và môi trường. Về nuôi thủy sản, huyện sẽ phát triển nuôi cá nước lạnh tại xã Sơn Thái, xã Khánh Phú; tại các hồ thủy điện, hồ thủy lợi ở các xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Trung.
Với những mục tiêu đề ra, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, huyện sẽ hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm; công khai kết quả rà soát chuyển đổi quy hoạch 3 loại rừng theo kết quả rà soát, chuyển đổi rừng trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện sẽ tiếp tục phát triển nhãn hiệu tập thể đối với bưởi da xanh, khai thác và quảng bá thương hiệu rộng rãi; tập trung củng cố và nâng cao các sản phẩm đã được chứng nhận từ 3 sao theo chương trình OCOP; cải tiến kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp; có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; khuyến khích các sản phẩm có nguồn nguyên liệu rõ ràng, ổn định tham gia chương trình OCOP.
Để xây dựng các mô hình sản xuất tập trung với quy mô lớn, đảm bảo môi trường, địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện; ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết; thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm bưởi da xanh. Đồng thời, huyện khuyến khích phát triển nuôi bò thịt, heo thịt và gia cầm theo hình thức trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh; phát triển chăn nuôi dê dưới vườn đồi, dưới diện tích tán rừng trồng...
Đến năm 2025, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 4,61%/năm. Về cơ cấu giá trị sản xuất, nông nghiệp chiếm 77,13%; lâm nghiệp chiếm 22,38%; thủy sản chiếm 0,49%. Địa phương phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Sông Cầu và Khánh Đông; có 4 sản phẩm được đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình OCOP... Năm 2021, diện tích trồng trọt toàn huyện đạt 7.867ha, đạt 98,5% kế hoạch. Trong đó, diện tích cây hàng năm đạt 5.349ha; diện tích cây lâu năm 2.518ha. Tổng đàn gia súc trên địa bàn 51.206 con, đạt 100,21% so với kế hoạch; tổng đàn gia cầm 113.600 con, đạt 138,54% kế hoạch. |
V.THÀNH