Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thành lập và duy trì 12 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (gọi tắt là điểm tư vấn). Các điểm tư vấn góp phần giảm tải cho các trung tâm, nâng cao hiệu quả cai nghiện.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thành lập và duy trì 12 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (gọi tắt là điểm tư vấn). Các điểm tư vấn góp phần giảm tải cho các trung tâm, nâng cao hiệu quả cai nghiện.
Góp phần giảm tải cho các trung tâm
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, với tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, các điểm tư vấn đã góp phần giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp một bộ phận gia đình, người nghiện hiểu ra lỗi lầm và điều trị cắt cơn. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục duy trì hoạt động 12 điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chuyên môn tiến hành kiện toàn lại ban chủ nhiệm và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm tư vấn. Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai việc mua, cấp phát thuốc điều trị cắt cơn cho các điểm tư vấn.
|
Bà Phạm Thị Thúy Phượng - tư vấn viên điểm tư vấn thị trấn Vạn Giã cho biết, trung bình mỗi năm, điểm tiếp cận, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy cho khoảng 10 người, hơn 50 gia đình. Qua đó, giúp các gia đình hiểu rõ hơn về tâm lý của người nghiện để có hướng tiếp cận điều trị. Những người sử dụng ma túy lâu năm sẽ được hỗ trợ uống Methadone. Hiện nay, số lượng người nghiện có chiều hướng trẻ hóa và gia tăng. Việc điều trị cần sự vào cuộc, chung sức của cả hệ thống chính trị, gia đình, xã hội...
Theo lãnh đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã xây dựng được 12 điểm tư vấn tại cộng đồng. Các điểm tư vấn đã phối hợp điều trị cắt cơn cho 148 người nghiện ma túy. Trong đó, điều trị tại điểm là 81 người, tại gia đình 67 người. Qua theo dõi, có 72 người duy trì được kết quả tốt, 49 người tái nghiện và 27 người đi khỏi địa phương không có thông tin. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn còn hỗ trợ 8 người sau cai nghiện làm thủ tục vay vốn tạo sinh kế, giúp họ có việc làm.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Bà Lê Phương Thảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm tư vấn; tăng cường hỗ trợ về trang thiết bị, phương pháp tiếp cận, kỹ năng tư vấn cho các thành viên của các điểm tư vấn. Cùng với đó, đơn vị sẽ hỗ trợ kinh phí để mua và cấp phát thuốc điều trị cắt cơn cho các điểm tư vấn. Các điểm cũng tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi hành vi, sức khỏe của người sau điều trị, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm tư vấn rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tiếp cận đối tượng nghiện ma túy để có những biện pháp điều trị nghiện kịp thời; thường xuyên phối hợp theo dõi, cảm hóa người nghiện tại địa phương nhằm tránh sự lôi kéo, dụ dỗ tái nghiện.
Qua thống kê của các ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Các đối tượng nghiện có xu hướng sử dụng ma túy đá, thuốc lắc… Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh bị xuống cấp và quá tải. Do vậy, việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm tư vấn rất cần thiết. Qua thực tế, hoạt động của các điểm tư vấn đã và đang góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người nghiện, gia đình hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy để có những biện pháp quản lý con cái, điều chỉnh hành vi bản thân; cộng đồng giảm bớt sự kỳ thị với người nghiện.
VĂN GIANG