Thời gian qua, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi nhiều, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Thời gian qua, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Nhờ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi nhiều, góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn.
Nỗ lực thay đổi nhận thức
Cam Hiệp Nam là xã thuần nông của huyện Cam Lâm. Xã có 1.574 hộ với hơn 5.975 nhân khẩu, được chia làm 3 thôn gồm: Quảng Đức, Suối Cát, Vĩnh Thái. Những năm trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến. Với thực trạng đó, xã đã triển khai nhiều biện pháp vận động truyền thông như: Tuyên truyền trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, cấp phát tờ rơi, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nhiều phụ nữ mang thai, cách chăm sóc bà mẹ trước và sau sinh… Nhờ đó, người dân đã nhận thức được việc đẻ nhiều, đẻ dày sẽ khiến cuộc sống gia đình gặp khó khăn, các con không được học hành chu đáo.
Bà Phạm Thị Quỳnh Như - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam, Trưởng Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ xã cho biết, thời gian qua, xã đã tích cực xây dựng các kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức truyền thông lồng ghép các nội dung về nâng cao chất lượng DS; tập trung thay đổi nhận thức, hành vi của người dân tại những địa bàn khó khăn, cung cấp dịch vụ có chất lượng để người dân có cơ hội chăm sóc sức khỏe… Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày một nâng lên, số phụ nữ mang thai đã chủ động thăm khám và thực hiện sàng lọc trước sinh đầy đủ, sàng lọc sơ sinh cũng được tiếp cận; phụ nữ đã biết khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế. Chị Võ Thị Tuyết Nga chia sẻ: “Tôi có 2 con gái, 1 bé 14 tuổi và 1 bé 5 tuổi. Mặc dù bố mẹ chồng muốn vợ chồng tôi sinh thêm con trai để nối dõi tông đường nhưng chúng tôi đã thuyết phục bố mẹ hiểu. Dù sinh trai hay gái cũng chỉ 2 con để có điều kiện chăm lo cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, tôi đã thực hiện KHHGĐ để không sinh con ngoài ý muốn”.
Từng bước ổn định
Bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Trưởng khoa DS - Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm đánh giá, Cam Hiệp Nam là một trong những xã tiêu biểu trong công tác DS. Trước đây, xã có nhiều trường hợp sinh con thứ 3, mức sinh không ổn định… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về DS nên nhận thức của người dân được nâng cao. Hiện nay, toàn xã có 73% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ tăng DS tự nhiên giảm còn 0,85%. Bên cạnh đó, xã luôn duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng DS trên toàn huyện. Chị Nguyễn Sĩ Mỹ Huệ (thôn Suối Cát) chia sẻ: “Tôi tham gia CLB xây dựng gia đình hạnh phúc từ năm 2018. Tham gia CLB, tôi được học hỏi nhiều kinh nghiệm để ứng xử, vun đắp gia đình mình và nuôi dạy con cái thành tài”.
Theo chị Phạm Thị Huyền Trân - chuyên trách DS xã Cam Hiệp Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, mục tiêu nâng cao chất lượng DS của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Kết quả giảm sinh chưa thực sự bền vững, không đồng đều; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra theo chiều hướng tăng...
Bà Liễu cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ xã Cam Hiệp Nam tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-SKSS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau; đầu tư kinh phí cho công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ; khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thanh Trúc