10:02, 13/02/2020

Tập trung khống chế dịch bệnh trên vật nuôi

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp. Cùng với cả nước, người chăn nuôi và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, không để lây lan.

 

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp. Cùng với cả nước, người chăn nuôi và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, không để lây lan.


Dịch bệnh phức tạp


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngày 12-1, Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gà tại một hộ chăn nuôi ở thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân. Hộ này đang nuôi gần 2.500 con gà thì xuất hiện tình trạng chết nhiều. Số lượng gà chết thời điểm kiểm tra là 315 con. Chủ hộ chăn nuôi khai báo đàn gà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1.

 

Tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi là một trong  những biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, ngày 13-1, cơ quan chức năng phát hiện số gà chết dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã tiến hành khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn gà 2.458 con; tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ này. Đồng thời, thông báo tình hình dịch bệnh và kiểm tra toàn bộ đàn gia cầm tại thôn Vĩnh Phú; tổ chức cho các hộ nuôi ký cam kết phòng, chống dịch theo quy định.


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, điều tra dịch tễ và các yếu tố nguy cơ cho thấy, hộ nuôi này sử dụng thức ăn cám công nghiệp, chuồng trại thông thoáng, nằm trên đồi núi, cách biệt ít nhất 500m với các hộ nuôi gà khác. Thôn Vĩnh Phú có 103 hộ nuôi gia cầm, tổng đàn 8.700 con, còn toàn xã Suối Tân có 621 hộ nuôi với tổng đàn hơn 135.000 con. Hầu hết gia cầm ở xã này chưa được tiêm phòng vắc xin cúm. Lực lượng thú y đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của 2 hộ nuôi nằm gần với hộ nuôi có gà bị bệnh kể trên, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút cúm A. Như vậy, tính đến ngày 13-2, sau 1 tháng phát hiện 1 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm, đến nay Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm trường hợp nào.

 

ASF xuất hiện trở lại khiến người nuôi heo lo lắng.

ASF xuất hiện trở lại khiến người nuôi heo lo lắng.


Trên đàn gia súc, cuối năm 2019, các số liệu về dịch tả heo châu Phi (ASF) đều rất khả quan. Từ ngày 16-12-2019 đến hết 5-1-2020, toàn tỉnh không ghi nhận thêm bất cứ ổ dịch ASF mới nào. Đây cũng là quãng thời gian dài nhất ASF không xuất hiện trở lại. Nhiều xã trên toàn tỉnh đã bước qua thời gian 30 ngày không xuất hiện ASF. Tuy nhiên, từ ngày 6-1 đến 10-2, ASF lại được ghi nhận, xuất hiện rải rác ở 5 hộ chăn nuôi tại 5 thôn của 5 xã thuộc 3 địa phương gồm: Khánh Vĩnh, Cam Ranh và Diên Khánh. Tổng đàn heo của 5 hộ nuôi này là 124 con, trong đó có 70 con heo với tổng trọng lượng gần 4 tấn bị bệnh, chết buộc phải tiêu hủy.


Tập trung khống chế


Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hoạt động chăn nuôi gà hiện nay ngày càng rút ngắn thời gian nuôi. Một số giống gà thậm chí chỉ cần nuôi khoảng 45 ngày đã đạt trọng lượng xuất bán (2kg trở lên). Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi không tiêm phòng cho đàn gà. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố 1 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm xuất hiện tại tỉnh Hồ Nam. Đây là dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm và có nguy cơ lây sang người. Vì vậy, ngày 5-2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, không để cho dịch bệnh bùng phát, tình trạng dịch chồng dịch diễn ra.


Điều đáng mừng là ổ dịch cúm gia cầm tại Cam Lâm nói trên thuộc chủng vi rút cúm A/H5N6. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào chứng nhận chủng vi rút này có khả năng lây sang người. Mặc dù vậy, cơ quan chuyên môn và các địa phương trên toàn tỉnh vẫn tập trung hàng loạt giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi được triển khai từ ngày 8-2. Trong đợt này, gần 6.800 lít hóa chất được dùng để phun tiêu độc, khử trùng tại các xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm.


Đối với công tác phòng, chống ASF, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu máu (5 con gộp thành 1 mẫu) để giám sát bệnh ASF trên đàn heo vận chuyển ra ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã lấy được 283 mẫu gộp của 1.415 con heo; kết quả 79/79 mẫu đều âm tính với bệnh ASF. Ngoài ra, hàng nghìn tờ rơi và hàng trăm sổ tay hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ASF của Cục Thú y đã được chuyển đến các xã, phường, thị trấn có nuôi heo trên toàn tỉnh.


Bên cạnh đó, theo quyết định của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020, UBND tỉnh giao kinh phí tổ chức phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm cho các xã khó khăn, miền núi là 5,355 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các địa phương còn nhiều khó khăn này.


Hồng Đăng